Tết Đinh Dậu nói chuyện gà

(VOV5) - Trong văn hoá dân gian Việt Nam, hình ảnh con gà gắn liền với nhiều truyền thuyết lịch sử. Từ một vật nuôi gần gũi, con gà gắn với phong tục gà gọi mặt trời của nhà nông dần trở thành lễ vật cúng không thể thiếu trong phong tục tín ngưỡng của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Theo quan niệm của người Việt, năm Đinh Dậu 2017 (năm con gà) được coi là năm  hứa hẹn nhiều điều mới mẻ, khởi sắc trong năm mới.      

Tết Đinh Dậu nói chuyện gà - ảnh 1
Biểu tượng của Tết Đinh Dậu 2017 tại Bạc Liêu (Ảnh: Dân trí)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Trong các nghiên cứu khảo cổ, con gà là một dấu tích của văn minh và văn hóa nông nghiệp ở Việt Nam. Trên di vật trống đồng Đông Sơn, hình ảnh chim và gà là những loài vật được thể hiện khá nhiều. Trong tục thờ Mẫu, Thánh, Ngũ Phủ công đồng, thì biểu tượng con gà luôn xuất hiện trong các đình đền, chùa miếu. Cách đây hàng trăm năm, hình ảnh con gà cũng đã xuất hiện sinh động trong tranh dân gian của làng Đông Hồ, hay trong đồ chơi dân gian như: chiếc còi hình con gà làm bằng đất sét của dân tộc Nùng.   

Từ xưa, người Việt thường dùng gà trống để cúng đêm giao thừa với mong muốn "gọi mặt trời". Người xưa cho rằng, giao thừa là thời điểm đêm trời đất tối tăm nhất, bởi đó là lúc mặt trời ẩn mình sâu nhất. Sở dĩ gà trống được chọn làm con vật cúng tế linh thiêng trong đêm giao thừa, bởi theo quan niệm của người Việt gà trống là cầu nối giữa thế giới con người và thế giới của thần linh. Gà trống là biểu tượng văn hóa gắn liền với tín ngưỡng tôn sùng thần mặt trời của nhà nông rồi dần trở thành phong tục của người Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về. Ngày nay, phong tục này vẫn được giữ nguyên. Người dân thường chọn những con gà trống to, khỏe, đẹp nhất làm lễ vật cúng.

Tết Đinh Dậu nói chuyện gà - ảnh 2
Hình tượng con gà trong tranh dân gian Đông Hồ

Theo truyền thống cũ, nhiều gia đình chọn giống gà Đông Tảo, một giống gà quý trong lịch sử. Đó là loại gà chân to, khỏe mạnh, hùng dũng để bày cúng trong đêm giao thừa. Cụ Nguyễn Xuân Vệt, ở thôn Đông Tảo, huyện Khoái Châu tỉnh Hưng, cho biết: "
Riêng con gà Đông Tảo có điều tâm linh do các cụ ngày xưa truyền lại, nó có được tiếng gáy gọi mặt trời, đem ánh nắng trở lại cho loài người dưới trái đất. Từ đó người ta tôn thờ để cúng giao thừa, vào đêm 30 trời tối om thì cúng con gà để có ánh sáng trở lại. Gà Đông Tảo là loài gà quý trước chỉ dùng để tiến vua ngày xưa, cho nên cúng tổ tiên mà được con vật đó thì càng quý".

Trong truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh có từ thời dựng nước, gà chín cựa được nhắc đến là một trong ba lễ vật thách cưới của Vua Hùng để gả con gái của mình là Mỵ Nương gồm: Voi chín ngà, gà chín cựa
, ngựa chín hồng mao. Gà chín cựa tưởng chừng chỉ tồn tại trong dã sử dân gian truyền miệng,  nhưng thật bất ngờ những năm gần đây nhiều người dân đã tìm mua được loại gà chín cựa làm lễ vật cúng trong đêm giao thừa. Từ một giống gà trong tự nhiên vô tình tìm thấy trong rừng già Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ, quê hương của truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, một doanh nghiệp đã nhân giống thành công loại gà quý này. Năm nay, gà chín cựa là sản phẩm độc đáo nhất trong năm con gà 2017 này. Dù giá thị trường một con gà chín cựa có mức giá khá cao, hơn 3 triệu đồng/ con nhưng nhiều người vẫn tìm mua Ông Nguyễn Như So chủ của cơ sở sản xuất giống gà  chín cựa này phấn khởi cho biết: "Nuôi được con gà độc đáo như thế này là để cho ngày giỗ, ngày Tết  và nhất là các chàng trai muốn đến hỏi vợ. Đến ra mắt bố vợ với con gà chín cựa như thời xưa thế này thì rất quý".

Tết Đinh Dậu nói chuyện gà - ảnh 3
Gà chín cựa - sản phẩm độc đáo nhất trong năm con gà 2017 (Ảnh: vietnamnet.vn)

Con gà cũng gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của nhiều dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Người Tày và người Nùng quan niệm trong đêm giao thừa, nếu gà nhà mình kêu hoặc gáy trước tiên thì gia đình sẽ may mắn, hạnh phúc trong năm mới và lễ vật quà tết của các chàng rể khi thăm nhà bố mẹ vợ có ý nghĩa nhất là gà trống thiến. Các chàng trai đi hỏi vợ thì quan trọng nhất là phải có đôi gà. Đối với người Mông, gà trống là con vật cầu nối với thế giới thần linh và người Cơ Tu lại coi con gà là biểu hiện cho sự sống, gắn liền với ánh sáng, với mặt trời…Do vậy, gà trống thiến là những lễ vật không thể thiếu trong các nghi lễ như:  lập làng, lễ vào nhà mới, mừng lúa mới, mừng cơm mới…

Với nhiều gia đình Việt, mua được con gà ưng ý dâng cúng trong đêm giao thừa, hay mua các loại tranh, ảnh, bưu thiếp, tờ tiền, quà Tết mang hình con gà…là mỹ tục mỗi dịp Tết đến xuân về. Những hình ảnh, món quà này thể hiện ước vọng thu hút tài lộc và giữ được thế vững vàng trong công việc, cuộc sống với nhiều may mắn trong  năm con gà.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác