Tết Nguyên đán - tinh hoa văn hóa Việt

(VOV5) - Dân gian xưa nay bảo "Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết". Nói vậy, hẳn người đời có cái lý của mình...

Ngày trước, những năm thiên tai mất mùa đói kém, nhà nào thiếu thốn, ngày giỗ cha mẹ, ông bà, chẳng mâm cao cỗ đầy để mời mọc anh em họ hàng, thì chỉ cần đặt lên bàn thờ bát cơm quả trứng, đĩa hoa hái ở vườn nhà, bát nước cúng, dầu đèn, còn chén rượu có hay không cũng chẳng sao.

Thắp ba nén nhang, khấn khứa là được. Ở thế giới bên kia (nếu có), chẳng tổ tiên, ông bà cha mẹ nào lại nỡ trách cứ con cháu mình vì cái tội nghèo. Con trẻ trong nhà cũng không vì thế oán chê cha mẹ. Hiếu nghĩa với người âm chỉ cần thế, cốt ở yên lòng người dương kia.


Tết Nguyên đán - tinh hoa văn hóa Việt - ảnh 1
Câu chuyện bên nồi bánh chưng. Ảnh: Mỹ Trà

Nhưng... Tết thì lại khác. Giàu nghèo thế nào thì cũng phải cố lo cho có đủ lệ bộ. Nghĩa là, trên bàn thờ phải có mâm ngũ quả, trong buồng nhà phải có đôi ba chiếc bánh chưng, khoanh giò, vại dưa nén dưa hành và đám trẻ phải có manh áo mới. Khá khẩm hơn chút nữa thì thêm niêu cá kho, nồi thịt đông, vài đĩa chè kho thảo quả... Thực ra, túng bấn quá mà không lo cho có đủ, hẳn tổ tiên ông bà, rồi các bậc Táo quân thần phủ cũng đâu có trách phạt, cái chính là ở người nhà mình kia. Không có ư... thì đâu vui được lòng con trẻ, mà người lớn cũng tủi phận làm cha làm mẹ không nuôi nổi con.

Nếu đem ra mà so sánh, ngày giỗ là việc riêng nhà mình, no đói thế nào chỉ trong nhà biết với nhau thôi, ngoài chẳng ai hay, thế nên cũng không có gì phải ngượng, hoặc sợ mang tiếng. Còn ngày Tết, là của chung cả làng cả nước, nhà nào cũng phải theo. Mà xưa nay, phàm việc gì, chuyện gì là của chung thiên hạ, là người ta cứ phải ganh đua để giành phần hơn. Ý thức, tâm lý xã hội lâu dần thành phong tục, tập quán... Rồi nữa, những phong tục, tập quán ấy lại áp chế ý thức và tâm lý xã hội. Chưa hết, nó tác động vào thực tại xã hội, cụ thể là đời sống hằng ngày của con người, vừa gặm nhấm vừa hối thúc...


Tết Nguyên đán - tinh hoa văn hóa Việt - ảnh 2
Lễ Dâng hương ngày Tết. ảnh: Mỹ Trà

Bởi cái tâm lý "no ba ngày Tết", thế nên mới có cái chuyện đáng lo nhất trong năm của nhà nhà, ấy là tích cóp cho cái Tết, chuẩn bị, rậm rịch sắm Tết, thậm chí ngay từ đầu năm mới. Lợn thì nhắm nhe nuôi từ sau ngay sau Tết cũ, đợi đến gần Tết mới rồi tính toán chung đụng; gạo nếp và đỗ xanh thì lo từ thu hoạch vụ mười; mật mía thì một chạp đã đem thóc gạo đổi chác, rồi bọc kỹ bằng lá chuối khô cho vào vò kín bảo quản; sau rằm tháng Giêng kéo đến Tết ông Công ông Táo thì rậm rịch chuẩn bị ống giang chẻ lạt, mua sẵn lá dong, lựa củi gộc chuẩn bị cho nồi bánh chưng; rồi rà soát lại cối chày giã giò; nhà cửa bếp núc thì quét tước mạng nhện bồ hóng, quét lại vôi tường cho sáng sủa, lau chùi bàn thờ và đánh bóng đồ tế...

Cứ thế, mỗi ngày một vài việc, lo xong được thứ nào thì thở phào nhẹ nhõm thứ ấy, vừa bớt lo vừa âm ỉ vui. Độ từ hăm nhăm, hăm bảy Tết trở đi, Tết đến gần lắm rồi, vừa phải lo việc đồng áng, vừa lo việc mua sắm Tết. Làng xóm rộn ràng đi chợ phiên. Từ tối hôm trước đã phải nhẩm tính xem, có thứ gì mang bán được để lấy tiền tiêu Tết, lại xem còn thiếu thứ gì cần mua, rồi thập thò hàng xóm láng giềng hò hẹn rủ rê, để sớm mai từ gà gáy đã í ới gọi nhau đi chợ Tết. Người người gồng gánh, già trẻ dắt díu nhau đi trong màn sương sớm, quên đi cái giá buốt cuối năm, nhất là khi gặp phải tiết mưa phun gió bấc, là vì trong lòng đầy những mừng lo khấp khởi...

Hăm chín, ba mươi thì Tết đã cận kề. Chung đụng lợn, chạy di chạy lại, mổ lợn giã giò, gói bánh chưng... tất bật từ mờ sớm đến tận đêm khuya, thôi thì bao nhiêu là việc... Nhà nào khá giả, nền nếp còn lo dựng cây nêu ngoài sân ngõ...

Đấy, cái Tết nó vui chính là ở bầu không khí, ở cảnh quan, ở trong cái sự lo toan mừng vui chộn rộn nơi lòng người kia. Còn vui ở miếng ăn ngon, đành rằng có, song chỉ là phụ. Tết xưa, với nhà nghèo, quả là mấy ngày ấy mới có miếng giò, miếng bánh chưng mà ăn, thường ra đâu có. Nhưng cái sự ngon nơi răng miệng đầu lưỡi chỉ là nhỏ. Cái sự cay đắng ngọt bùi ẩn giấu trong sâu kín ý nghĩ của người lớn, của các bậc làm cha làm mẹ kia, lúc có miếng ăn ngon vào miệng, lại ngẫm đến bao mồ hôi cực nhọc thường ngày, làm miếng ăn nó cao hơn lên, và thêm phần ý nghĩa!


Tết Nguyên đán - tinh hoa văn hóa Việt - ảnh 3
Cây nêu ngày Tết. Ảnh: Mỹ Trà

Thời nay, Tết đến, nhà nhà có của ăn của để, chẳng mấy lo tích cóp dành để ăn Tết như ngày trước. Từ thành thị đến nông thôn, hàng hóa thượng vàng hạ cám đều có dịch vụ sẵn. Con người lại bận mải làm ăn, đến giáp Tết, tiền túi rủng rỉnh, nháo nhào đi tua nửa ngày về là có đủ mọi thứ hàng Tết. Cần gì phải lo tích cóp, phải tất bận cho khổ cơ chứ?!...

Tôi có ông anh rể, trước đây làm cán bộ Huyện, đông con nhưng kinh tế dư dả và chúng đều phương trưởng cả rồi. Mấy năm trước, anh triệt để thực hiện phương châm "thương mại - dịch vụ hóa" hàng Tết. Ngày áp Tết, tôi về quê biếu quà, thấy nhà vắng teo. Hỏi ra, bà chị gái tôi bảo, con cái thì mải làm ăn chưa về đủ, còn ông anh rể tôi thì không có việc gì lo, ra ngẩn vào ngơ chán chê, rồi chạy đâu đó hàng xóm, xem người ta mổ lợn, giã giò làm vui...

Khi đã về hưu, có thời gian rảnh rỗi, ông anh rể tôi mới thấy thèm, thấy quý và hiểu, ẩn giấu bên trong cái việc sắm sanh Tết nhất là bầu không khí ấm êm, yên bình của gia đình và xã hội. Bên ấm trà nóng lúc trời giá rét, chờ bữa cơm tất niên, anh rể vui vẻ, hào hứng bảo: "Yên chí. Ra Tết, tớ lại kiếm con lợn bột giống cũ, nuôi đúng kiểu đóng đanh. Giáp Tết tới, các cậu kéo về, tớ thịt, giã giò, cháo lòng tiết canh, đánh chén một bữa cho vui!". Đây chỉ là chuyện của một người, một nhà, song tôi tin là có vô vàn người nghĩ như vậy.

Tết Nguyên đán - tinh hoa văn hóa Việt - ảnh 4
Đào thế ở Nhật Tân. Ảnh: Mỹ Trà

Mới lại hay, Tết vui là ở bầu không khí lo toan bận rộn, đâu phải chỉ cần đủ miếng ăn và lệ bộ. Chính cái bầu không khí lo toan, tất bật ấy, làm nên sự kết dính và sưởi ấm mỗi tấm lòng, mỗi gia đình và cả cộng đồng xã hội. Thế thì có loại dịch vụ nào thay thế nổi cơ chứ?

Mới biết, sự thỏa mãn về vật chất không quá khó, song sự thỏa mãn về mặt tinh thần quả không dễ chút nào.

Giờ thì kinh tế xã hội phát triển, con người ta bận mải làm ăn quanh năm suốt tháng. Có người cho là phong tục Tết Nguyên đán là lạc hậu, là ảnh hưởng đến việc làm ăn... rồi đòi bỏ Tết ta, hoặc nhập Tết ta vào Tết Tây. Nghĩ vậy, nhưng họ có đâu hiểu, nhiều triệu người lao động, quanh năm vất vả, nếu không muốn nói là đầu tắt mặt tối làm lụng kiếm sống, dịp Tết nhất là để nghỉ ngơi, quây quần gia đình họ mạc, đâu chỉ là đê ăn miếng ngon, mà để hưởng một bầu không khí ấm áp tình người thân tộc, họ mạc.

Tết cũng là dịp để người ta xóa bỏ, quên đi chuyện cũ không hay, hy vọng cho một năm mới tốt lành, và như vậy nó hàm chứa yếu tố tâm linh hòa lẫn tâm lý xã hội. Ngày Tết, là thời điểm để người ra thư giãn tinh thần, là phong tục tập quán hàng ngàn đời, là văn hóa, mà đã là văn hóa thì không có cao thấp để mà so sánh, và đâu có cơ học như vậy được. Còn như, nếu xét về khía cạnh kinh tế, mỗi dịp Tết, cũng là lúc kích thích tiêu dùng, kích cầu, mà qua đó, kích thích sản xuất kinh tế phát triển. Điều này, có thể thấy ở Trung Quốc, họ đã tạo được hiệu ứng tích cực về Tết cổ truyền. Nếu biết tận dùng bản sắc văn hóa dân tộc trong Tết cổ truyền, ta còn thu hút được khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thưởng Tết.

Gạt đi sự nhiễu nhương, biến tướng cái Tết vì những mục đích thực dụng của một số người, thiết nghĩ, Tết nguyên đán cổ truyền vẫn luôn là tinh hoa của văn hóa Việt, không có gì có thể thay thế nổi.

Vấn đề là thái độ và cách ứng xử với Tết cổ truyền từ mỗi người, mỗi nhà!/.

Phản hồi

Các tin/bài khác