Đối với một số người, đỉnh dịch COVID-19 trong năm 2021 như một cơn sóng thần cuốn đi gần hết những gì mà họ đã cố gắng gây dựng bao năm qua. Họ phải đối mặt với khủng hoảng tài chính, sự nghiệp đang suôn sẻ bỗng dưng gặp nhiều khó khăn tưởng chừng như không thể tiếp tục. Nhưng rồi những con người bình dị đó cũng đã vượt qua, bởi niềm tin vào một ngày mai tươi sáng.
Nghe âm thanh tại đây:
Những ký ức không thể quên
"Lúc đó cảm thấy buồn và mất phương hướng lắm. Dịch bùng phát nhà máy đóng cửa, mọi thứ khó khăn ập đến. Nhưng rồi cũng qua vì nghĩ còn khỏe mạnh là may mắn lắm rồi."
"Là một tiếp viên hàng không, công việc của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch Covid-19 suốt hai năm qua"
"Trong giai đoạn nghỉ dịch, chúng tôi hoàn toàn là không có thu nhập. Bởi vì nghề chính của tôi là giáo viên dạy học sinh mầm non, nên khi nghỉ việc làm mọi công việc đều dừng lại và không có thu nhập." Đó là chia sẻ của số ít những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid- 19 thời gian qua
Ký ức về những ngày nhận nhiệm vụ trực cách ly tập trung tại trạm trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 của chị Nguyễn Thị Thỏa, công nhân trạm biến áp điện Đông Anh, Hà Nội, đến giờ vẫn còn hiển hiện rất rõ. Đó là cảm giác da diết nhớ thương con, là nỗi buồn lo khắc khoải. Ban ngày công việc cuốn đi nhưng đêm đến nỗi nhớ ùa về khiến chị nhiều đêm mất ngủ.
Đội ngũ nhân viên y tế tại các khu cách ly. Ảnh: TTXVN |
Cùng nỗi niềm da diết thương con như chị Thỏa, chị Nguyễn Lan Phương, một điều dưỡng viên y tế đồng thời cũng là 1 bà mẹ đơn thân, chia sẻ trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị cùng đồng nghiệp phải đi vào tâm dịch để hỗ trợ chăm sóc cho bệnh nhân. Con gái 4 tuổi phải nhờ họ hàng trông giúp. Ngày gần hết nhiệm vụ được trở về nhà thì cũng là lúc chị nhận được tin mình nhiễm bệnh. Nỗi nhớ con nhỏ chị đành gác lại:
"Thời gian mà Phương hết bệnh thì Phương nghĩ rằng là một điều dưỡng nên mình xin được ở lại làm tình nguyện viên tại khu cách ly đó luôn. Ngành y vất vả mỗi khi đi làm xa thì con phải tự lập, nên nhiều khi nghĩ con rất thiệt thòi, thương lắm"
Ngày trở về, ôm con gái bé nhỏ trong lòng mà chị cứ ngỡ như mơ. Hạnh phúc bình dị được nghe con nói, con cười, con hát sao mà thân thương đến vậy.
Gắn bó với công việc công nhân công ty da giày tại thành phố Hồ Chí Minh hơn 20 năm trời, ngày công ty thông báo giải thể do ảnh hưởng dịch COVID-19, chị Thanh Lan (40 tuổi), quê ở Hà Nam không khỏi sốc và chới với: "Từ giữa tháng 4 thì công việc đã ít, phải chia ca giãn cách thay phiên nhau làm. Sau đó có thông báo trước 1 tuần công ty có thể cho nghỉ việc. Nói chung ai cũng buồn và lo, sốc nữa, lo tiền học hành chi phí."
Khó xin việc ở tuổi 40, khi đó chị quyết định cùng chồng ra bên hông của khu chợ gần nhà bán rau, kiếm tiền trang trải cuộc sống qua ngày và nuôi con ăn học. Đi sớm về trễ nhưng hai vợ chồng vẫn cố gắng bám trụ tại thành phố chờ đợi dịch qua đi để có thể tìm kiếm công việc thích hợp hơn.
Hơn 1 năm trước, Thanh Hằng, một du học sinh Việt Nam tại Mỹ được mời đi chương trình du học trao đổi 4 tháng tại Đan Mạch. Đang khấp khởi và tự hào với bao nhiêu là dự định và kế hoạch cho cuộc sống mới tại phương trời mới, nhưng rồi COVID-19 ập đến làm thay đổi mọi dự định:"Vào một đêm giữa tháng 3, khi chuẩn bị lên giường đi ngủ, tôi nhận được email của chương trình trao đổi với nội dung khẩn cấp, yêu cầu tất cả học sinh tự thu dọn hành trang và bay về nước càng sớm càng tốt vì Đan Mạch sắp phong toả biên giới sau 2 ngày nữa. Sau hai ngày không ngủ lo lắng dọn dẹp hành lý, 3 giờ sáng tôi đã có mặt tại sân bay Copenhagen, nơi tôi hoan hỉ đáp xuống 2 tháng trước để bắt đầu hành trình mới, nay cũng là nơi kết thúc hành trình của tôi một cách đột ngột."
Những bữa cơm '0 đồng' ấm tình người trong mùa dịch. Ảnh: TTXVN |
Khi đặt chân xuống sân bay Nội bài, nước mắt Hằng nhoè đi vì xúc động. Cô nghĩ chỉ có đất nước mình, quê hương mình là nhà, là nơi có thể dang tay đón mình bất cứ khi nào…Ở trong khu cách ly, đối mặt với nỗi lo sợ nhiễm dịch bệnh, nhưng chính trong thời điểm đó, cô lại thấy mình may mắn khi được nhìn nhận cuộc sống theo một khía cạnh đặc biệt, để rồi Hằng trở thành 1 tình nguyện viên tích cực, hăng hái nhất trong khu cách ly: "Những ngày khó khăn của dịch bệnh và sống trong khu cách ly đã giúp tôi học được nhiều điều và hiểu thêm về mọi người xung quanh. Tuy những người tôi gặp tại khu cách ly đều là những người xa lạ nhưng, tình cảm của mọi người dành cho nhau lại thật là thân thuộc, đùm bọc, chia sẻ, như người nhà. Tôi cảm thấy biết ơn. Giờ đây nhìn lại những ngày ấy, tôi cảm thấy mình thật là may mắn khi là người Việt Nam.
Biết ơn và hi vọng
Dịch COVID-19 đã đến và sẽ còn tiếp tục là thách thức và chúng ta không thể thay đổi được điều đã xảy ra. Thay vào đó, chúng ta hầu như đã thay đổi thái độ của mình với COVID-19. Đó là luôn giữ được sự lạc quan và tinh thần vững vàng, học cách trưởng thành, lớn lên từ trong nghịch cảnh.Chúng ta thậm chí còn học được cách tự tạo nên năng lượng t ích cực cho chính mình. Thật may mắn khi trong thời kỳ dịch, chúng ta luôn được bao quanh bởi tình yêu từ đồng bào. Năm qua, đã có biết bao chương trình thiện nguyện chung tay giúp đỡ nhau trong đại dịch. Có thể kể đến như chương trình: Ai cần cứ đến lấy, chia sẻ thực phẩm hàng ngày; Bếp ăn không đồng; Bếp ấm; Góc bếp yêu thương; Suất cơm không đồng, chuyến xe yêu thương… Và đó chính là truyền thống của người Việt Nam, khi hoạn nạn, lòng tốt, sự sẻ chia luôn được lan tỏa và phát huy.
- Hai năm qua, bản thân tôi đã mất mát rất nhiều, nhưng tôi cho đó là chặng đường mình phải trải qua để bản thân trở nên mạnh mẽ hơn, yêu thương chính mình hơn.
- Chúng ta biết ơn cuộc sống vì được sống và vẫn có cơ hội được ở bên gia đình cùng những người thân yêu. Chúng ta biết ơn từng hạt gạo, từng mớ rau vàng, vài ngàn bạc lẻ khi giữa tâm dịch chúng ta được chia sẻ tất cả dù là những thứ nhỏ nhất.
- Tôi tin rằng những ai như tôi, tuy sau 2 năm đại dịch mất rất nhiều nhưng vẫn cảm thấy được nhiều hơn là mất. Được sống và có cơ hội yêu thương gia đình thêm nữa, được vẽ lại bức tranh tương lai tươi sáng hơn, đẹp đẽ hơn, học được bài học là chỉ cần khỏe mạnh thì cuộc sống luôn có nhiều điều tốt đẹp.
- Tôi nghĩ rằng tình hình dịch bệnh chung sẽ là cơ hội để mỗi cá nhân toả sáng theo cách riêng của mình. Những hoạt động vì cộng đồng mà tôi tham gia cũng phần nào là truyền cảm hứng và sự tự tin cho chính bản thân.
Trên đây là những chia sẻ của một số người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhận được sự hỗ trợ kịp thời.)
Nhóm tình nguyện viên “Người Việt thương nhau” tặng quà hỗ trợ bà con khó khăn vì dịch Covid-19. Ảnh:baodansin.vn |
Chiến dịch tình nguyện “Người Việt thương nhau”
Vác ba lô lên đường vào TP.HCM đúng thời điểm tâm dịch, ca sĩ Thái Thùy Linh mang theo một kế hoạch lớn là cứu trợ người lao động còn kẹt lại thành phố. Ngay lập tức, Linh đã khởi động chiến dịch “Người Việt thương nhau” với mục tiêu là cứu trợ khẩn cấp những phần lương thực thiết yếu đủ 5 nhóm cơ bản giúp người nghèo có thể cầm cự hàng tuần. Giải pháp của Thái Thuỳ Linh đã nhận được sự đánh giá cao của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thời điểm đó.
PV: Xin chào Thùy Linh, được biết chiến dịch tình nguyện “Người Việt thương nhau” do Linh khởi xướng đã đạt hiệu ứng tốt và lan tỏa được tinh thần yêu thương tới nhiều người. Được biết, phần quà, gói hỗ trợ mà bạn cùng các tình nguyện viên hỗ trợ trong chiến dịch “Người Việt thương nhau” có tên gọi là set quà 5 Thương (5T). Bạn có thể chia sẻ ý nghĩa của cái tên này?
Thái Thùy Linh: Lúc đầu mình chưa nghĩ đến cái tên 5T đâu mà chỉ nghĩ đến việc cần phải có 1 túi lương thực khô để bà con ở yên trong nhà để chống dịch. Trong set quà cho bà con mình có thiết kế các thành phần chính là tinh bột như gạo, mì, rau xanh, đạm và thêm 1 phần quà nhỏ là nước sát khuẩn, khẩu trang… 5 thành phần như này mình đặt tên là 5T (5 thương). Điều này liên tưởng đến chiến dịch 5K của chính phủ. Quan điểm của mình là muốn thực hiện được 5K thì phải có 5T. Muốn họ ở yên, giữ khoảng cách thì phải để họ không bị đói. Và rất vui là set quà 5T của mình đã được đặt lên bàn bàn họp của các lãnh đạo UBND Thành phố HCM trong các cuộc họp chỉ huy chống dịch do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì và mọi người cũng đánh giá cao gói cứu trợ 5T này.
Thái Thùy Linh (trái) trong một chuyến tặng quà cho người dân trong khu phong toả. Ảnh: baodansinh.vn |
PV: “Với tôi, giúp người kém may mắn là nghĩa vụ đương nhiên, là trách nhiệm mà lương tri mách bảo. Tôi mong các bạn cùng tôi nhường cơm sẻ áo cho đồng bào mình qua cơn hoạn nạn này, vì làm gì có cơn mưa nào chẳng ngớt”. Tôi thật sự rất ấn tượng với câu nói này của bạn và đây cũng là lời kêu gọi mà bạn đã từng đăng tải trên trang cá nhân. Vậy thông điệp mà bạn muốn gửi gắm qua các hoạt động thiện nguyện này?
Thái Thùy Linh: Bản thân Linh không phải là người giàu có hay dư thừa vật chất. Linh chỉ mong mình như một cơn mưa nhỏ, dần sẽ thấm để mọi người có suy nghĩ khác về câu chuyện làm thiện nguyện. Linh mong là tất cả người Việt Nam đều có tinh thần giúp đỡ, chia sẻ những người kém may mắn hơn mình, không chỉ là giúp bữa cơm mà trước hết là tinh thần, sự thông cảm. Từ sự thông cảm vậy, khi con tim rung lên nhịp thương cảm thì sẽ biến thành hành động.
Ai cũng có thể làm thiện nguyện trong khả năng và điều kiện của mình. Chỉ cần bạn có lòng và sẵn sàng làm việc trong khả năng của mình, chắc chắn sẽ nghĩ và tìm ra được những việc để chung tay giúp đỡ những người kém may mắn. Tại sao Linh cho rằng việc làm thiện nguyện là đương nhiên bởi vì trên đời này chúng ta sống mà không thể thiếu lòng biết ơn. Riêng việc mỗi sáng thức dậy còn được thở bình thường thì mình đã phải biết ơn cuộc sống rồi. Để nói giàu có và dư giả thì biết đến bao giờ. Linh nghĩ rằng người giàu có trước tiên phải là người có sức khỏe. Khi mình giàu về sức khỏe, thời gian, quan hệ, chất xám…thì đều có thể chia bớt đi cho những người nghèo hơn mình, kém may mắn hơn mình. Linh đã và đang đi theo con đường mà mình theo đuổi nhiều năm nay. Mỗi chương trình của Linh rất nhiều người tham gia được vui, chia sẻ niềm vui cùng nhiều người khác.
PV: Được biết, sau khi đỉnh dịch ở thành phố HCM hạ nhiệt, Linh trở về Hà Nội để tiếp tục với những dự án dang dở của mình nhưng một lần nữa HN lại dứng trước đỉnh dịch mới của miền Bắc. Và chiến dịch “Người Việt thương nhau” đang tiếp tục triển khai ở Hà Nội khi mà các ca F0 đang tăng nhanh chóng. Vậy Tết này bạn có những dự định gì?
Thái Thùy Linh: Những ngày này xung quanh Linh không phải là đàn ghi ta, là thiết bị thu âm mà tất cả mọi thứ đã được cất đi, để bắt tay vào cuộc chiến mới, tập trung giúp đỡ các F0 tại nhà. Các tình nguyện viên chúng mình cũng xác định tết này sẽ là một cái Tết vì đồng bào. Tổng đài sẽ online của chúng mình sẽ trực chiến 24/7 cùng các bác sĩ xuyên qua giao thừa để sẵn sàng hỗ trợ bà con gọi đến. Với mỗi cuộc gọi đến, 1 tin nhắn tìm kiếm sự giúp đỡ thì chúng mình sẽ làm hết sức để đem đến sự an toàn.
Chắc chắn đây là một giao thừa và một cái Tết đáng nhớ với mình. Bởi vì tất cả anh em đã xác định rồi, tham gia vào các hoạt động tình nguyện có liên quan trực tiếp đến đến F0 thì tất cả đều phải xa gia đình, vì không thể giúp người khác lại mang nguồn lây bệnh về cho gia đình. Chỉ mong tất cả những cố gắng, ân tình này sẽ tạo thành sức mạnh, lá chắn để giúp bà con đón Tết an toàn nhất, yên tâm nhất và chúng mình luôn cố gắng thực hiện điều mà luôn tâm niệm là không một ai bị bỏ ai lại phía sau.
PV: Xin cảm ơn Thùy Linh và chúc bạn thật nhiều sức khỏe để tiếp tục các dự án âm nhạc và các hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa của mình trong thời gian tới.
Ở cô ca sỹ nhỏ bé này, luôn tràn đầy năng lượng dành cho cộng đồng, như bàn tay ấm luôn chìa ra đúng lúc, chân thành. Như những món quà của lòng trắc ẩn, yêu thương được trao đi thật đặc biệt bởi tình người.
Thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới đang đến gần. Tết này, vẫn còn có nhiều gia đình nhớ thương người thân, có nhiều em nhỏ nhớ thương bố mẹ, có nhiều bạn nhớ thương đồng nghiệp của mình. Nhưng, chúng ta cũng có thể tự hào vì chúng ta đã biến đau thương thành hành động, để hôm nay cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Và chúng ta hy vọng, tuy dịch COVID-19 vẫn có thể kéo dài, nhưng chúng ta sẽ ngày càng mạnh mẽ và chiến thắng.