(VOV5) - Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng công nghệ blockchain để nâng cao hiệu quả của ngành logistics, đặc biệt tập trung vào các công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổ chức tư vấn chính sách Asia House (Anh), hôm qua (23/01), công bố báo cáo “Triển vọng thường niên 2024”, trong đó nhận định nền kinh tế Việt Nam có khả năng tiếp tục phát triển vượt trội so với các nước láng giềng trong khu vực trong năm nay.
Dây chuyền sản xuất các loại ống và dây dẫn phanh, ống trợ lực tay lái,... cho xe máy, ôtô của Công ty TNHH Nichirin Việt Nam, 100% vốn đầu tư Nhật Bản, tại Bắc Giang. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Trong báo cáo “Triển vọng thường niên 2024”, Asia House đánh giá triển vọng của 8 nền kinh tế chủ chốt ở châu Á, gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Philippines. Báo cáo cho rằng Việt Nam và Philippines sẽ là 2 quốc gia đạt thành tích nổi bật trong năm nay. Báo cáo đánh giá Việt Nam có môi trường khởi nghiệp công nghệ phát triển mạnh và đầu tư công đáng kể vào trí tuệ nhân tạo (AI) với Chương trình chuyển đổi số nhằm đưa các công ty công nghệ trong nước trở thành những công ty toàn cầu. Trung tâm Đổi mới quốc gia hỗ trợ những đột phá công nghệ trong nhiều lĩnh vực, trong khi ngành ngân hàng tích cực trong thử nghiệm và ứng dụng AI.
Báo cáo nhận định Việt Nam cũng là nước đi đầu trong các dự án blockchain (chuỗi khối) với hơn 200 dự án blockchain đang hoạt động, đồng thời triển khai công nghệ blockchain trong một số lĩnh vực, như: bảo lãnh tín dụng trong thương mại và tài chính chuỗi cung ứng. Báo cáo nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng công nghệ blockchain để nâng cao hiệu quả của ngành logistics, đặc biệt tập trung vào các công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh. Báo cáo cho thấy các doanh nghiệp trong nước sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh toàn cầu sẽ mở rộng quy mô tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực và thị trường lao động mạnh của Việt Nam (69% dân số trong độ tuổi lao động) sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng này.
Báo cáo cũng dự báo trong năm nay, Al sẽ định hình lại nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam và thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ là yếu tố then chốt trong năm nay và những năm tiếp theo ở Việt Nam. Việc tiếp tục thúc đẩy và mở rộng các ưu đãi nhằm thu hút và phân bổ nguồn tài chính xanh, với sự tham gia của các tổ chức tài chính trong nước, sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam và giúp xây dựng khả năng phục hồi trước các cú sốc khí hậu. Theo báo cáo, các sáng kiến tài chính xanh hỗn hợp của Việt Nam, như: khoản vay tài chính hỗn hợp từ Ngân hàng Phát triển châu Á hỗ trợ năng lượng gió, đặc biệt hiệu quả trong việc hỗ trợ Việt Nam thích ứng với rủi ro khí hậu và hỗ trợ năng lượng tái tạo.