Báo chí quốc tế quan tâm đặc biệt đến tình hình trên Biển Đông
(VOV5) - Sau cuộc họp báo quốc tế do Bộ Ngoại giao tổ chức chiều 5/6 tại Hà Nội, ngày 6/6, báo chí quốc tế đồng loạt đăng tải các bài viết phản ánh những hành vi vô nhân đạo của Trung Quốc trên biển Đông mà họ tận mắt chứng kiến.
Hãng tin Mỹ CNN đăng bài viết của nhà báo Euan McKirdy mô tả tình hình thực địa ở khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trên vùng thềm lục địa của Việt Nam. Nhà báo McKirdy cùng 40 phóng viên trong nước và quốc tế đã đi lên tàu của Việt Nam từ cảng Đà Nẵng tới biển Đông. Bài viết có đoạn mô tả: Phía Trung Quốc tỏ ra hung hăng. Một đoạn video do CNN quay cho thấy cảnh tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam bằng vòi rồng. Các tàu Trung Quốc cũng chủ động đâm tàu Việt Nam… Sáng sớm, chúng tôi nhìn thấy một tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu cá Việt Nam. Từ xa thì trông bình thường nhưng đến gần mới thấy đó là dòng nước cực mạnh có thể phá vỡ cửa sổ, làm động cơ ngừng hoạt động. Khi các tàu tiến đến gần nhau, chúng tôi có thể thấy rõ các khẩu súng trên tàu Trung Quốc. Sự hiện diện của vũ khí chỉ ở cách chúng tôi vài chục mét khiến chúng tôi vô cùng lo ngại.
|
Phóng viên CNN chụp ảnh tàu Trung Quốc hoạt động trái phép trên vùng biển Viêt Nam Ảnh: CNN |
Cùng ngày, giới truyền thông quốc tế, gồm hãng tin Reuters, Bloomberg, báo Daily Mail, Telegraph, VOA… cũng đồng loạt đăng tải thông tin tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Ngày 5/6, tờ "Les Echos" của Pháp có bài bình luận với tiêu đề "Trung Quốc - cường quốc càng ngày càng hiếu chiến", trong đó cảnh báo rằng những hành động của Trung Quốc ẩn chứa một rủi ro nghiêm trọng là làm suy giảm uy tín của nước này. Theo bài báo, các hành động gây hấn của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng thời gian gầy đây đã cho thấy có sự thay đổi về vị thế ngoại giao của Trung Quốc. Nếu cách đây 5 năm, Trung Quốc còn được xem là một quốc gia hòa bình, thì hiện đã trở thành một nhân tố gây hấn tiềm tàng trong khu vực. Sự đảo chiều này trong thực tế hàm chứa nguy cơ là sự sụp đổ uy tín quốc gia. Tác giả cho rằng nếu thật sự muốn phát triển “quyền lực mềm”, Trung Quốc cần có một thái độ khác cũng như một học thuyết ngoại giao xứng tầm với vị thế cường quốc mà họ muốn thể hiện trên trường quốc tế.