(VOV5) - Bộ Công Thương đã phối hợp, tổ chức các chương trình kết nối cung - cầu với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thị trường hàng hóa phục vụ Tết khá dồi dào. Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, rau xanh, củ quả tươi không có nhiều biến động. Tuy nhiên, sức mua tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại giảm hơn so với những năm trước.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: vnmedia.vn |
Để tạo nguồn cung cho chương trình bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã phối hợp, tổ chức các chương trình kết nối cung - cầu với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối tại các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương, đồng thời tạo nguồn hàng cho chương trình bình ổn thị trường với giá hợp lý và ổn định.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết: “Bộ Công Thương đã chủ động triển khai những giải pháp bảo đảm thị trường hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu cho 63 tỉnh, thành phố. Chúng tôi đang thực hiện những công tác bình ổn thị trường, đảm bảo vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế xã hội bằng những giải pháp kích cầu, khuyến mại để hỗ trợ người dân mua sắm trong tình hình dịch vụ bị giảm sút, người dân thu nhập bị giảm. Những hàng hóa chống dịch, hàng hóa phục vụ Tết đều được dự trữ hơn mức 30% so với bình thường”.
Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân, các hệ thống siêu thị đồng loạt lên kế hoạch tăng giờ mở cửa từ 2 - 4 tiếng mỗi ngày. Hệ thống siêu thị Saigon Co.op chỉ nghỉ hoàn toàn ngày mùng 1 Tết (ngày 12/2) và mở cửa trở lại từ ngày mùng 2 Tết. Hệ thống siêu thị Aeon mở cửa xuyên Tết.