(VOV5) - Đó là chủ đề hội thảo khoa học do Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức sáng 31/5 tại Hà Nội.
Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa ở Trung ương và địa phương.
Quang cảnh tại hội thảo |
Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó ngoài dân tộc Kinh và dân tộc Hoa còn lại là các dân tộc thiểu số, họ sinh sống ở khắp 3 miền Bắc - Trung Nam. Thách thức hiện nay đó là gắn bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cộng đồng các dân tộc với phát triển kinh tế, xã hội. Để làm được việc này cần thay đổi tư duy trong tiếp cận chính sách bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, tính ứng dụng thực tiễn của các chính sách; chú trọng tới vấn đề sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt ưu tiên nhóm đối tượng đặc thù là các dân tộc rất ít người.
Các ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh các cơ quan chức năng ngành văn hóa quan tâm đầu tư hơn nữa cho cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là các nghệ nhân, thợ giỏi, nhóm dân tộc thiểu số rất ít người; phát huy vai trò của chính cộng đồng dân tộc thiểu số. Các tham luận đề nghị chú trọng bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết, các lễ hội truyền thống, nhạc cụ dân tộc, trang phục dân tộc… trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Giáo sư - Tiến sĩ Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng: “Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số bây giờ phải đặt trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Số hóa những dữ liệu cốt lõi mà nó gắn với bản sắc văn hóa của dân tộc thiểu số. Làm từng bước đầu tiên là những giá trị văn hóa tiêu biểu nhất sau đó mở rộng dần. Số hóa thành dữ liệu mở để giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số ngắn gọn, cô đọng, quảng bá cho thế giới biết cái đẹp, tinh túy của dân tộc thiểu số Việt Nam”.
Các đại biểu cũng góp ý nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ văn hóa, trình độ quản lý cán bộ văn hóa ở các địa phương, cán bộ văn hóa phải là người am hiểu phong tục, tập quán đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số phải đảm bảo tính thống nhất trong đa dạng văn hóa của Việt Nam.