(VOV5) - Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 14 với chủ đề “Biển hoà bình, phục hồi bền vững” do Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức, khai mạc sáng 16/11 tại thành phố Đà Nẵng.
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/11 với sự góp mặt của gần 500 đại biểu, là các chuyên gia uy tín từ 20 quốc gia và đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phiên Khai mạc Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 14 với chủ đề “Biển hoà bình, phục hồi bền vững”. Ảnh: VOV |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định chính sách của Việt Nam về Biển Đông là tôn trọng đầy đủ, thiện chí thực thi các quy định của luật pháp quốc tế; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu Khai mạc Hội thảo. Ảnh: VOV |
Việt Nam coi trọng việc sử dụng bền vững và bảo tồn đại dương, biển và các nguồn tài nguyên trên biển. Về chủ đề hội thảo “Biển hoà bình, phục hồi bền vững”, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh biển hoà bình là điều kiện tiên quyết để phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19. Do đó, cộng đồng quốc tế cần có giải pháp sáng tạo để cải thiện tính minh bạch và thúc đẩy lòng tin chiến lược giữa các bên, cần có hành động cụ thể để duy trì ổn định chính trị, duy trì phục hồi kinh tế và cần có sáng kiến thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Hội thảo quy tụ gần 40 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ gần 20 quốc gia. Ảnh: VOV |
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh: "Năm nay là dịp kỷ niệm năm thứ 40 ra đời của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển - UNCLOS. Hội thảo là dịp tái khẳng định tầm quan trọng của Luật Biển, đặc biệt là UNCLOS trong việc đưa ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện cho các vấn đề trên biển và đại dương, bao gồm cả việc bảo tồn và sử dụng bền vững các biển, đại dương và tài nguyên ở đó".
Tại các phiên thảo luận, các diễn giả phân tích về diễn biến ở Biển Đông từ góc độ chính trị và pháp lý; xu hướng cạnh tranh nước lớn ở Biển Đông; cơ chế tiểu đa phương; các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống và biện pháp thúc đẩy hợp tác hàng hải, an ninh và thịnh vượng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điểm mới của Hội thảo năm nay là việc tổ chức một phiên thảo luận dành cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm quy tụ tiếng nói của cộng đồng người Việt Nam trong việc xây dựng Việt Nam thành thành viên chủ động và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.