(VOV5) - Bên cạnh đó, các địa phương cần làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội liên quan đến từng lĩnh vực.
Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết, cần đảm bảo có thể triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát; trong đó, tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương và vùng.
Hội nghị trực tuyến "Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2022 Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng". Ảnh: VGP/Minh Ngọc |
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến "Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng", tổ chức ngày 14/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Dự kiến 2 năm 2022 và 2023 được xác định là thời gian phục hồi kinh tế của cả nước và đề nghị các địa phương chú trọng vào việc dự báo, đánh giá, phân tích tình hình, bối cảnh “bình thường mới," nêu bật những vấn đề khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, giải đáp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.
Bên cạnh đó, các địa phương cần làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội liên quan đến từng lĩnh vực tại địa phương như về quy hoạch, đầu tư công, khắc phục các tác động của dịch bệnh COVID-19, các vấn đề về doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh, an sinh xã hội.