(VOV) Chiều 17/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Nhiều vấn đề nóng được người dân và doanh nghiệp quan tâm như: điều hành giá điện, xăng dầu trong năm 2012; quản lý giá cả, thị trường; vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp; điều hành chính sách tài khóa; thu chi ngân sách...
Bên cạnh đó, việc tăng giá điện lên 5% sẽ tác động như thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời gian tới; cũng như vấn đề quản lý, điều hành giá xăng dầu được nhiều độc giả đặt câu hỏi. Trả lời về việc tăng giá điện vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định giá điện tăng 5% chỉ làm CPI tăng 0,369%. Khi nhà nước tăng giá điện đều có chính sách hỗ trợ người nghèo và người thu nhập thấp.
Cụ thể, Chính phủ không điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện từ 0-100Kwh. Với 50 kwh đầu tiên chỉ tính 900 đồng/kwh. Mặt khác đối với hộ nghèo, còn được hỗ trợ trực tiếp 30 nghìn từ ngân sách Nhà nước. “Ngoài việc điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường để thu hút đầu tư, Chính phủ cũng có chính sách đối với người nghèo. Giá điện năm 2012 cơ bản tính theo giá thành kế hoạch năm 2012 và phân bổ thêm 1 phần lỗ của năm 2010 và giá bán than. Giá điện có tăng nhưng ở mức kiềm chế và mức độ lộ trình như thế nào còn tính kỹ. Mục tiêu là năm 2013 điện xăng dầu cơ bản theo nguyên tắc thi trường, nhưng đảm bảo mục tiêu kiềm chê lạm phát dưới 10%.” Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết.
Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết quan điểm nhất quán của Bộ là chính sách thuế phải là chính sách hướng dẫn, động viên nguồn lực, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, bồi dưỡng nguồn thu. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh trong thời điểm nhất định, phải coi trọng khoan sức dân, chính là để tạo nguồn thu lâu dài.
Trước những băn khoăn về mục tiêu của Bộ Tài chính đặt ra trong năm 2012 là tăng thu so với mức dự toán Quốc hội quyết định từ 5-8%; kéo giảm bội chi ngân sách xuống dưới 4,8%, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, thực tế, trong năm 2012, dự toán ngân sách đã được tính toán cân đối chặt chẽ. Chính sách thu hầu như không thay đổi so với những năm trước. Trong điều kiện hiện nay: lạm phát giảm nhưng còn cao, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn bất ổn, lãi suất chưa giảm được như mong muốn, chính sách tài khóa cần chung tay gách vác với chính sách tiền tệ và có giải pháp quyết liệt hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng đi sâu phân tích và trả lời thể một số vấn đề nhiều độc giả cả nước quan tâm như vấn đề chống chuyển giá; vấn đề thuế sử dụng đất; việc kiểm soát, quản lý giá nhất là vào thời điểm cuối năm hoặc thời điểm tăng lương thời gian tới./.