Bộ trưởng Công Thương đối thoại với nhân dân

Bước vào năm 2012, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra cho ngành Công Thương là tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu; chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ.

Bộ trưởng Công Thương đối thoại với nhân dân  - ảnh 1

Đó là những nhiệm vụ hết sức nặng nề đặt ra đối với ngành Công Thương nhằm góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu kinh tế – xã hội mà chính phủ đã đề ra trong năm 2012.

Để nhân dân cả nước có thông tin một cách tổng thể, đầy đủ về những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2012, đồng thời giải đáp sự quan tâm của người dân trên lĩnh vực này, tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đối thoại trực tuyến với nhân dân.

Cùng dự đối thoại còn có các đồng chí là lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương.

Cuộc đối thoại được phát thanh trực tiếp trên Đài tiếng nói Việt Nam, truyền hình trực tiếp qua mạng internet, truyền hình trực tiếp trên kênh thời sự - chính trị VTC1- Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC.

Bạn đọc tham gia đặt câu hỏi gửi về địa chỉ email doithoai@chinhphu.vn hoặc gọi đến số điện thoại: 08.04.8113.

Sau đây là nội dung cuộc đối thoại:

** Thưa Bộ trưởng, trong năm 2011, ngành Công Thương đã đạt được những kết quả toàn diện. Tuy nhiên ngay trong báo cáo tổng kết của ngành cũng đã chỉ ra một số mặt còn hạn chế. Xin Bộ trưởng có thể chia sẻ những thành công nổi bật cũng như những hạn chế cần tập trung khắc phục trong năm 2012?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Thưa các đồng chí và khán giả, hôm nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với sự giúp đỡ của Cổng TTĐT Chính phủ và các cơ quan truyền thông, góp phần cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương có dịp đối thoại với người dân.

Năm 2011 khép lại với những thành tích quan trọng của cả nước. Đóng góp vào thành tích đó, ngành Công Thương có nhiều nỗ lực, cố gắng từ cơ quan bộ, Sở Công Thương, doanh nghiệp, các hiệp hội và với sự giúp đỡ của nhân dân cả nước.

Về phát triển công nghiệp, dù có nhiều khó khăn, như chi phí đầu vào, chịu sức ép cạnh tranh của hàng nước ngoài, thị trường xuất khẩu, tín dụng khó khăn nhưng với các giải pháp đúng đắn của Chính phủ, nỗ lực của doanh nghiệp…, công nghiệp vẫn tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,7%. Năm trước đây, tốc độ từ 14, 15%. Đặc biệt ngành Công nghiệp đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của nhân dân, không để thiếu hàng, sốt giá.

Kết quả thứ hai là hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu. Xuất khẩu đạt 96,3 tỷ USD, tăng 33%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn thì đây là một cố gắng hết sức lớn, là kết quả của một loạt nhóm giải pháp của Chính phủ, thể hiện đúng đắn trong quyết sách.

Cũng là lần đầu tiên xuất khẩu xấp xỉ 100 tỷ USD, tính bình quân đầu người vượt ngưỡng 1.000 USD, đứng thứ 5 ở ASEAN. Do đó, cán cân thương mại cải thiện rõ rệt. Với các giải pháp của Chính phủ, của Bộ Công Thương, một mặt đã đảm bảo nhập khẩu các máy móc, thiết bị, nguyên nhiên liệu cần thiết, tăng cường kiểm soát nhập siêu. Năm 2011 đưa chỉ gia nhập WTO, nhập siêu từ 30%, nay đưa được xuống còn dưới 10% kim ngạch xuất khẩu. Đây là một bức tranh sáng của cán cân thương mại.

Kết quả thứ 3 là thị trường nội địa, đảm bảo cân đối các mặt hàng thiết yếu,  đặc biệt là điện, thực hiện tương đốt tốt sản xuất và cung ứng, về cơ bản đã đáp ứng đủ điện cho nhu cầu của nhân dân, sản xuất và các sự kiện quan trọng của đất nước. Nhu cầu đối với các mặt hàng khác cũng được đáp ứng đủ, thị trường nội địa phát triển tương đối tốt, tăng trưởng hơn 24%.

Kết quả thứ 4 quanh vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế. Bộ Công Thương tham gia tích cực với các bộ, ngành địa phương giúp Trung ương Đảng, Quốc hội thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo trong các chuyến đi nước ngoài trong việc ký kết các hiệp định thương mại, tăng cường tuyên truyền phổ biến về các hiệp định thương mại đã ký kết... tích cực tham mưu cho Chính phủ đàm phán, tiến tới ký hết các hiệp định kinh tế....

Đó là những thành tích tóm tắt của ngành trong năm 2011. Dự hội nghị tổng kết ngành Công Thương năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương những thành tích này của ngành.

Bên cạnh những thành công, chúng tôi tự nhận thấy còn không ít hạn chế, bất cập thậm chí là khuyết điểm. Trước hết, công nghiệp tuy vẫn duy trì tăng trưởng nhưng có biểu hiện chậm dần những thành cuối năm, cho thấy chưa ổn định, bền vững. Cơ cấu các lãnh vực, ngành hàng chậm chuyển dịch, nặng về công nghiệp gia công, sử dụng nhiều lao động, khai khoáng. Còn công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, tận dụng được lợi thế của VN về vị trí địa lý, về nhân lực còn hạn chế. Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, phải nhập nhiều vật tư, linh kiện còn nhiều khiến nhập siêu.

Về xuất khẩu dù đạt tăng trưởng cao nhưng cơ cấu ngành hàng chuyển dịch còn chậm, còn dựa nhiều vào các mặt hàng từ khu vực nông nghiệp, chế biến, sử dụng nhiều lao động, khai khoáng... tỷ trọng hàng chế biến, có giá trị nội địa cao còn hạn chế, tỷ trọng khiêm tốn. Nếu không có biện pháp chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu thì tốc độ khó mà duy trì được, và mất lợi thế với một số mặt hàng.

Ông Nguyễn Trí Hoàng – Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội cùng nhiều độc giả gửi tới Bộ trưởng 2 câu hỏi như sau: Theo báo chí tôi được biết năm vừa qua, nhập siêu của Việt Nam khoảng hơn 9,5 tỷ USD, giảm gần 25% so với năm trước và chỉ bằng 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi mục tiêu đề ra là 16%. Đây là kết quả rất đáng mừng nhưng liệu có bền vững? và mục tiêu đến 2015 sẽ cân bằng cán cân thương mại có đạt được hay không, thưa Bộ trưởng ?


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đây là một trong những vấn đề ngành Công Thương hết sức quan tâm và là nội dung cần sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn của ngành Công Thương từ cơ quan bộ đến cơ sở.

Nhìn tổng thể, Việt Nam nhiều năm qua cơ bản là nước nhập siêu phục vụ phát triển kinh tế trong khi nhiều chủng loại máy móc thiết bị chưa sản xuất được, nhập khẩu nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu. Trong bối cảnh chúng ta tăng trưởng kinh tế phải đầu tư để có thêm năng lực sản xuất mới, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân. Do vậy, nhập khẩu là không tránh khỏi.

Về cơ bản, chúng ta tuy nhập siêu nhưng nhập siêu lành mạnh. Có nghĩa là, trong cơ cấu hàng nhập khẩu của chúng ta, tỷ trọng mặt hàng thiết yếu không thể không nhập như máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, và một số mặt hàng  sinh hoạt thiết yếu cho người dân chiếm  trên 80%. Hàng tiêu dùng và không thiết yếu chỉ chiếm 7%.

Thứ 2, tình hình nhập siêu không thể khắc phục trong “ngày một ngày hai” vì chúng ta nhập khẩu chủ yếu máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu. Chừng nào chưa có nền công nghiệp cơ khí chế tạo đủ mạnh, còn thiếu ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển theo đúng trọng tâm trọng điểm, một bộ phận còn chưa thay đổi được thói quen tiêu dùng, chưa dành vị trí thỏa đáng cho hàng trong nước, vẫn hướng về hàng nước ngoài thì chừng đó còn phải nhập khẩu.

Nhân diễn đàn này, tôi xin thông báo, việc nhập siêu của chúng ta sẽ dần từng bước được khắc phục được nhưng không phải chỉ ngành Công Thương làm được, mà cần sự phối hợp giúp đỡ, đồng tình, đồng hành của toàn bộ xã hội, nhân dân, các doanh nghiệp thì mới có thể thực hiện được công việc này.

Về nhập siêu, năm 2011, chúng ta đã đạt một số kết quả bước đầu như tôi đã trình bày ở phần trên. Đây là bước tiến so với năm 2007 và thời kỳ trước đây  Tuy nhiên, mục tiêu năm 2015 có thể cân bằng cán cân thương mại hay không là câu hỏi không hề đơn giản, bởi chúng ta vẫn trong giai đoạn tăng cường đầu tư để tăng cường năng lực sản xuất, qua đó, vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu, máy móc... trong nước chưa sản xuất được hay sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo tính toán, đến năm 2019-2020, chúng ta mới có điều kiện cân bằng xuất nhập khẩu. Muốn thực hiện được điều này cần nỗ lực hết sức lớn của cả nước, các doanh nghiệp. Tôi xin nhắc lại trong chỉ tiêu kế hoạch 2011-2015 cũng như chiến lược 2011-2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng 11, chúng ta đặt ra mục tiêu năm 2020 phấn đấu cân bằng cán cân thương mại.

Chúng tôi sẽ phấn đấu để có thể hoàn thành mục tiêu sớm hơn thời hạn này.

Câu hỏi của Hội Trí thức KH&CN Trẻ Việt Nam: 

- Theo các cam kết gia nhập WTO thì thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng sẽ được giảm rất nhiều. Vậy để hạn chế nhập khẩu đối với những mặt hàng trong nước sản xuất được hoặc nhà nước muốn hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước thì chính sách về hàng rào phi thuế quan đã và đang làm được đến đâu và sẽ tiếp tục được hoàn thiện như thế nào?


- Để sản phẩm công nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh được ngay trên chính thị trường nội địa, vấn đề không chỉ là năng suất và giá thành mà phải có thiết kế, sáng tạo. Theo Bộ trưởng, vấn đề này cần được hiểu thế nào và phải làm gì để thúc đẩy?


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, chúng ta phải giảm thuế suất theo lộ trình, nhưng các lộ trình này rất khác nhau. Có hiệp định thì thời gian giảm thuế ngắn, nhưng có hiệp định thời gian này dài hơn.

Thời gian này được chúng ta căn cứ vào khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước, nếu khả năng cạnh tranh còn yếu thì tìm biện pháp kéo dài lộ trình, với những hàng hóa có lợi thế, lộ trình đó ngắn hơn.

Với tinh thần đó, chúng ta giảm thuế ngay đối với một số hàng, một số khác thì đàm phán theo hướng các đối tác chấp nhận kéo dài lộ trình vì nền kinh tế VN đang phát triển, trình độ chưa cao. Ví dụ, trong hiệp định thương mại với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ mà chúng ta cùng ký với các nước ASEAN, chúng ta được hưởng lộ trình dài hơn 6 nước gia nhập đầu tiên của ASEAN, chậm hơn 5 năm, thậm chí là từ 10 đến 15 năm với một số mặt hàng.

Chúng tôi muốn khẳng định rằng khi đàm phán, các bộ, ngành và Bộ Công Thương đã nghiên cứu rất kỹ, tham khảo ý kiến của doanh nghiệp qua VCCI và các hiệp hội, ý kiến của xã hội, để quyết định mặt hàng nào  lộ trình nhanh, chậm. Ví dụ, khi gia nhập WTO, 4 mặt hàng là đường ăn, muối ăn, trứng gia cầm và nguyên liệu thuốc là chúng ta đã đấu tranh duy trì được bảo hộ cho hàng trong nước qua việc cấp hạn ngạch nhập khẩu và thuế. Vì vậy, đảm bảo quyền lợi của người nông dân, đảm bảo khả năng cạnh tranh, có đủ thời gian để nâng năng xuất, chất lượng mặt hàng.

Về các biện pháp kỹ thuật, có thể nói là một sự quan tâm của người dân trong nhiệm kỳ trước và đến nay, tiếp tục là một nột dung được Chính phủ quan tâm. Bộ Y tế đã ban hành quy định về kiểm dịch động thực vật nhập khẩu vào VN. Bộ Công Thương đã nghiên cứu, ban hành quy định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ như dệt may. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành quy định liên quan đến các sản phẩm CNTT...

Chúng ta sẽ làm tốt hơn vì đây là biện pháp được phép, miễn là không mang tính hàng chính, phân biệt đối xử hàng hóa trong nước và nước ngoài. Khi chúng ta ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật còn tính đến không chỉ áp dụng với hàng nước ngoài nhập vào VN mà cả với hàng VN. Nếu VN không thực hiện được mà yêu cầu hàng nước ngoài thực hiện thì không phù hợp. Do đó, quá trình này cần nghiên cứu rất cẩn trọng, có cơ sở thực tế, nhu cầu bảo về người tiêu dùng... Tôi khẳng định Chính phủ đang chỉ đạo làm tích cực, tốt hơn.

Về cầu hỏi thứ hai, đây cũng là một nội dung rất đáng quan tâm để hàng hóa không chỉ tiêu thụ nhờ giá rẻ mà còn nhờ mẫu mã, hình thức. Trong nước, hiện có nhiều mặt hàng có chất lượng thậm chí cao hơn hàng hóa nước ngoài, giá cũng rẻ hơn, nhưng tiêu thụ vẫn chậm. Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân là thiết kế, mẫu mã chưa đa dạng, chưa thay đổi kịp phù hợp thị hiếu. Do đó,  một giải pháp mà ngành đặt ra trong năm 2012, đặc biệt là hàng tiêu dùng, yêu cầu về mẫu mã phù hợp thị hiếu cần hết sức quan tâm. Và đây cũng là một nội dung mang tính chiến lược trong sản xuất các mặt hàng thời gian tới.

Lê Thu Hạnh – TX Tam Điêp, tỉnh Ninh Bình: Bộ Công Thương vừa ban hành thông tư qui định thuế nhập khẩu 0% đối với mặt hàng lá và cọng thuốc lá, theo tôi, qui định này vô hình chung đã khuyến khích phát triển sản xuất thuốc lá trong nước, trong khi chúng ta lại đang đẩy mạnh vận động không thuốc lá. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Một câu hỏi rất đáng quan tâm bởi hiện nay Quốc hội đang xem xét, tới đây sẽ thông qua Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Để trả lời câu hỏi này, cần điểm lại một chút chính sách thương mại và chính sách với hàng nhập khẩu mà tôi đã trình bày.

Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, mặt hàng nguyên liệu thuốc lá là 1 trong 4 nhóm mặt hàng chúng ta đã đấu tranh để duy trì thuế suất thuế nhập khẩu ở mức cao và dùng hạn ngạch để phân bổ việc nhập khẩu vào Việt Nam. Đối với hàng hóa mà chúng ta còn thiếu, nguyên liệu thuốc lá là 1 trong 4 hàng hóa đó. Hiện nay, trong nước, chúng ta mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% cho nhu cầu cho sản xuất thuốc lá.

Xuất khẩu thuốc lá của chúng ta có tỷ lệ không nhiều. Sản xuất ra chủ yếu tiêu thụ trong nước. Hàng năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu từ 30.000-40.000 tấn nguyên liệu thuốc lá lá. Đây là nhu cầu rất lớn, chúng ta không thể không nhập khẩu vì vẫn có thực trạng một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng sử dụng thuốc lá. Không phải “ngày một ngày hai” chúng ta có thể bỏ thói quen này dù ai cũng biết tác hại. Đây là thực tế của cuộc sống.

Thứ 2, chúng ta có một loạt nhà máy thuốc lá đã xây dựng trong những năm qua, tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn người lao động. Không thể một lúc chúng ta có thể dẹp bỏ. Vì thế, chúng ta phải duy trì nhưng duy trì ở mức hạn chế nhất.

Chủ trương của Chính phủ là không tăng thêm, đầu tư thêm cho nhà máy thuốc lá để tăng khả năng sản xuất.

Thứ 2, nhà nước cấm mọi hình thức quảng cáo thuốc lá.

Thứ 3, không nhập khẩu thuốc lá điếu, mà chỉ cho phép nhập khẩu một lượng nguyên liệu thuốc lá cần thiết cho sản xuất trong nước.

Theo cam kết, thuế suất đối với nguyên liệu thuốc lá không phải là 0% như bạn đọc hỏi mà đối với thuốc lá lá là 30%.

Trong số 30-40 ngàn tấn nguyên liệu thuốc lá lá chúng ta nhập hàng năm theo hạn ngạch,  đối với riêng 2 nước bạn Lào, Campuchia, do quan hệ hữu nghị đặc biệt, và do thỏa thuận 2 bên, chúng ta có dành cho 2 nước bạn hạn ngạch rất ít để xuất khẩu sang Việt Nam với thuế suất ưu đãi. Mỗi nước chỉ xuất khoảng 3.000 tấn trong tổng số 30 – 40 ngàn tấn mà chúng ta phải nhập khẩu.

Có thể nói rằng, việc chúng ta duy trì hạn ngạch nhập thuốc lá với thuế suất cao là biện pháp đảm bảo việc duy trì khả năng sản xuất trong nước và hạn chế việc tiêu dùng trong nước, tiến tới sau  khi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua, thì sẽ có nhiều biện pháp vận động, tuyên truyền trong bộ phận người tiêu dùng dần từ bỏ thói quen hút thuốc lá. Và khi đó, theo tôi, dù muốn hay không, ngành thuốc lá cũng phải đi theo con đường đó, không thể tăng trưởng sản xuất, duy trì mà còn phải thu hẹp, thu gọn lại cơ sở sản xuất.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Hồ Ngọc Thắng là một doanh nhân gửi thư đến Cổng TTĐT Chính phủ nêu vấn đề như sau: Bước vào năm 2012, kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, “sức khỏe” của các doanh nghiệp lại đang yếu đi do thiếu vốn, một số thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam cũng khó khăn do khủng hoảng nợ công. Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp gì để đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra cho năm 2012? (tăng 14,6% so với năm 2011). Với câu hỏi này đề nghị Bộ trưởng nêu những giải pháp mới, mang tính đột phá?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Mục tiêu xuất khẩu năm là 13%, đạt khoảng 108 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, Bộ tiếp tục các nhóm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu theo Nghị quyết 11 năm 2011 của Chính phủ, đồng thời đưa ra các giải pháp đặc thù.

Thứ nhất, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp về vốn, tiếp cận nguồn kinh phí cho vay, giảm bớt khó khăn cho DN.

Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, tập trung và các mặt hàng có lợi thế, những mặt hàng mới có khả năng phát triển. Đồng thời, nghiên cứu, mở rộng thị trường xuất khẩu, những thị trường tiềm năng mà lâu nay chúng ta chưa quan tâm thực sự như Mỹ La tinh, Trung Đông, Châu Phi...

Thứ ba, tăng cường thông tin tuyền truyền, giải thích những lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do mang lại để hàng hóa VN có thể khẳng định vị thế tại các thị trường này trong thời gian ngắn. Đồng thời, cảnh báo sớm các biện pháp hạn chế xuất khẩu của các nước, kịp thời ứng phó, để doanh nghiệp kịp thời khắc phục.

Độc giả Đoàn Trung Văn, An Đông, Thừa Thiên Huế: Việc giá điện tăng giá 5% vừa qua là chưa sòng phẳng và vào thời điểm nhạy cảm. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Đây là một câu hỏi luôn được quan tâm. Tôi sẽ cố gắng nói ngắn gọn vì Bộ đã có một số dịp trả lời cử tri cả nước về vấn đề này.

Thứ nhất, chúng ta luôn gặp căng thẳng cung cấp điện, có thời điểm căng thẳng quanh năm, có năm căng thưởng vào mùa khô, có năm thì vào cuối năm. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện rất cao, có lẽ là rất ít nền kinh tế nào trên thế giới có nhu cầu tăng cao như VN, bình quân 15%/năm trong 10 năm qua. Và hiệu suất sử dụng điện năng thấp, chúng ta phải đầu tư 2-2,5 đơn vị điện để tăng trưởng GDP 1- 1,5%. Giá điện thì luôn được duy trì ở mức thấp, thậm chí thấp hơn giá thành, vì ngành điện phải thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, bên cạnh mục tiêu cung cấp điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Nếu chúng ta nâng giá điện cao hơn giá thành, chắc chắn sẽ ảnh hưởng các chỉ tiêu kinh tế và đời sống.

Do giá rẻ, nên không khuyến khích được tiết kiệm điện, ngành điện khó thu hút đầu tư, không khuyến khích đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp.

Tính đến tất cả thực tế đó, điều nhất quán trong chủ trương của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ là ngành điện phải hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, điều này đỏi hỏi có lộ trình, tăng giá điện phải tính toán tác động đến kinh tế, đời sống. Lộ trình ngắn quá thì nền kinh tế không chịu đựng được.

Do đó, năm 2011, Chính phủ đã nhất trí về chủ trương ngành điện được điều chỉnh giá điện theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, phải cân nhắc kỹ về mức tăng, về thời điểm, về tác động... Trước khi tăng giá điện, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã tính toán và báo cáo Chính phủ có thể tăng trên 10%. Tuy nhiên, việc điều chỉnh như vậy chắc chắn sẽ tác động đến lạm phát, ảnh hưởng đời sống nhân dân, nên ngành điện đã xin ý kiến của Bộ, của Chính phủ. Mức tăng 5% là chỉ tính biến động chi phí trực tiếp đầu vào như xăng dầu, nhân công... chưa tính đến các khoản lỗ do kinh doanh điện của các năm trước. Ngành điện đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có trách nhiệm với đời sống người dân. Lần điều chỉnh này, người nghèo, người dùng từ dưới 100kWh giờ không ảnh hưởng, tức là đại bộ phận người dân, người làm công ăn lương không bị ảnh hưởng.

Về thời điểm tăng giá, như tôi đã nói, nếu chúng ta tiếp tục kéo dài lộ trình điều chỉnh giá điện thì sẽ về lâu dài, cung ứng điện sẽ càng khó khăn, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Theo VOV online

 

Phản hồi

Các tin/bài khác