Các địa phương tăng cường phòng, chống dịch cúm A/H7N9 và cúm AH5N1

(VOV5) - Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng ngừa cúm A/H7N9) và A/H5N1.

Tỉnh Lạng Sơn tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới. Ông Bùi Văn Điển, Trưởng công an huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Công tác đấu tranh phòng ngừa buôn lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm được triển khai xuống tận xã, phường: “Chúng tôi tiếp tục tăng cường chỉ đạo công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường và đặc biệt là Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn của vùng biên tham gia ngăn chặn buôn lậu gia cầm. Trong 2 tuần vừa qua thì số lượng gà lậu qua biên giới tương đối được kiềm chế. Còn trong nội địa chúng tôi vẫn tổ chức tuyên truyền, bắt giữ các tụ điểm buôn bán gia cầm”.


Các địa phương tăng cường phòng, chống dịch cúm A/H7N9 và cúm AH5N1 - ảnh 1
Khó có thể phân biệt gà ta với gà Trung Quốc ở Chợ đầu mối Giếng Vuông - TP Lạng Sơn. Ảnh: Duy Chiến

Còn tại Hà Nội, ông Phạm Chí Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: Ngay từ đầu tháng 4 này, phường đã tăng cường các đoàn kiểm tra bao gồm công an, quản lý thị trường, kiểm dịch, y tế đi kiểm tra, kiểm soát các chợ cóc, chợ tạm, nếu phát hiện có gia cầm sống không rõ nguồn gốc sẽ tịch thu và tiêu hủy theo quy định: “Khi nhận được văn bản mới nhất thì phường cũng chủ động bổ sung thêm một số biện pháp. Chúng tôi có thông báo và mời các hộ ký cam kết là không kinh doanh gia cầm sống. Trong tháng 4 này, chúng tôi tăng cường kiểm tra để các hộ không có hiện tượng lén lút bán gia cầm sống. Bên cạnh đó, thông qua các khu dân cư chúng tôi gửi thông báo đến các tổ dân phố về việc tăng cường ngăn chặn dịch bệnh cúm, đặc biệt là dịch cúm H7N9”.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Ninh Thuận, nơi có nhiều hộ dân nuôi chim yến) đang vào cuộc quyết liệt để kiểm soát việc nuôi chim yến, trước thông tin có chim yến chết trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Lãnh đạo ngành Thú y thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các quận huyện lấy mẫu kiểm dịch trên chim yến và yêu cầu các hộ nuôi yến khi phát hiện hiện tượng chim yến chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và trạm Thú y quận, huyện để lấy mẫu giám sát, cơ sở nuôi phải thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực chim yến trú ngụ, đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ việc nuôi chim yến trên địa bàn thành phố./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác