(VOV5) - Sáng nay (17/2), tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế tại Việt Nam.
Hiện Việt Nam có 267 Khu công nghiệp, Khu chế xuất, đóng góp khoảng 40% tổng vốn FDI, trên 30% giá trị xuất khẩu hàng năm và thu hút trên 1,6 triệu lao động trực tiếp. Các Khu công nghiệp, Khu chế xuất góp phần hình thành khu vực phát triển công nghiệp – đô thị hiện đại; cải thiện cơ sở hạ tầng địa phương, đặc biệt tại các khu vực nông thôn; tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu cũng có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển và gìn giữ an ninh quốc phòng tuyến biên giới đất liền.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận và kiến nghị nhiều ý kiến nhằm phát triển các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế trong thời gian tới. Trong đó, kiến nghị cần phát triển theo chiều sâu, tăng cường tính liên kết, nâng hàm lượng công nghệ trong cơ cấu đầu tư và phát triển bền vững về mặt kinh tế, xã hội, môi trường...
Sản xuất công nghệ cao luôn là ưu tiên trong việc thu hút đầu tư tại các khu chế xuất và công nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ ra 3 đột phá để phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế bao gồm: kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực và đột phá về cải cách hệ thống thể chế, luật pháp. Phó Thủ tướng yêu cầu các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế, Khu Chế xuất phải đạt được các mục tiêu đến năm 2015 thu hút thêm 2,5 đến 3 tỷ USD. Phó Thủ tướng Hoàn Trung Hải nhấn mạnh: Sau Hội nghị này, Bộ kế hoạch đầu tư sẽ phải tiếp thu và nghiên cứu đề ra các giải pháp để chúng ta thực hiện, nghiên cứu mô hình điều hành các khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian tới như thế nào cho hiệu quả, để khắc phục được nhược điểm, đặc biệt là nhược điểm về vấn đề hợp tác liên kết giữa các bộ, các địa phương, các vùng kinh tế./.