(VOV5) - Suốt cuộc đời danh nhân Chu Văn An gắn bó với sự nghiệp dạy người để làm người, phụng sự đất nước, chính trực, thanh liêm, không cầu danh lợi.
Thành phố Hà Nội phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan gấp rút chuẩn bị hồ sơ danh nhân Chu Văn An gửi các cơ quan chức năng thẩm định, hoàn thiện kịp gửi trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét trong năm 2019. Hà Nội cũng đề nghị UNESCO kỷ niệm 650 năm ngày mất của Chu Văn An (vào năm 2020) để tưởng niệm một danh nhân trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo “Danh nhân Chu Văn – Con người và sự nghiệp” - Ảnh: Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám
|
Danh nhân Chu Văn An (1292-1370), tên thật là Linh Triệt. Ông người làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Từ nhỏ, Chu Văn An đã nổi tiếng là người học giỏi, ham đọc sách, tính tình cương trực. Mặc dù học vấn tinh thông nhưng ông không ra làm quan mà mở trường ở quê nhà để dạy học. Thầy Chu Văn An là Tư nghiệp Quốc Tử Giám, trực tiếp giảng dạy cho Thái tử, sau khi mất được đưa vào thờ tại Văn Miếu. Suốt cuộc đời Thầy gắn bó với sự nghiệp dạy người để làm người, phụng sự đất nước, chính trực, thanh liêm, không cầu danh lợi. Sau khi ông mất, có 12 điểm thờ tự và đến nay tên của ông đã được đặt cho 50 trường học, 33 đường phố trên khắp mọi miền của đất nước.