(VOV5) - 3 năm trở lại đây, Việt Nam chứng kiến sự phát triển nhanh của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời.
Hiện nguồn điện từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam chiếm đến 52,2% công suất lắp đặt trên toàn quốc.
Hội thảo “Tác động của COP 26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh” diễn ra sáng 17/08, tại Hà Nội. Ảnh: VOV |
Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu về năng lượng và điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tăng trưởng nhanh.
Song song với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cũng đang xây dựng chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ đến năm 2050. Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nêu lên tại Hội thảo “Tác động của COP 26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh” diễn ra sáng 17/08, tại Hà Nội.
Theo đại diện Bộ Công Thương, xây dựng chiến lược phát triển và chuyển dịch năng lượng bền vững, khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội là điều kiện quan trọng nhất hiện nay.
Trong đó, 2 mục tiêu quan trọng là: đảm bảo an ninh năng lượng trong trung và dài hạn để đáp ứng mục tiêu phát triển; đồng thời, đảm bảo tiếp cận năng lượng cho người dân và nền kinh tế với chi phí hợp lý, phù hợp điều kiện phát triển và khả năng thực tế của Việt Nam. Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng: "Để thực hiện được 2 mục tiêu này, cần thiết phải: Xác định được cơ cấu năng lượng tối ưu và bền vững của đất nước; Thu hút mạnh mẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng; Tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, xanh hơn và các nguồn năng lượng tái tạo, các loại hình năng lượng sơ cấp mới; Nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm cường độ sử dụng năng lượng và cường độ sử dụng điện của nền kinh tế".
Nhằm cụ thể hóa Chiến lược Tăng trưởng xanh Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (ban hành tháng 10/2021), ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh (giai đoạn 2021-2030), hướng tới 04 mục tiêu quan trọng: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu…
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khẳng định, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược. Quá trình chuyển dịch năng lượng xanh, bền vững của Việt Nam cần nhận được sự đồng hành và hỗ trợ thỏa đáng từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển và công ty/tập đoàn lớn của thế giới. Lộ trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân với giá cả phải chăng, đồng thời giảm thiểu tác động đến các nhóm/đối tượng trong xã hội.