(VOV5) - Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chuyên gia về chính sách khí hậu của tổ chức khí hậu Climate Analytics, bà Claire Stockwell, mới đây đánh giá cao việc Việt Nam ký Tuyên bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đội khí hậu (COP26) vừa bế mạc tại thành phố Glasgow (Sotland, Vương quốc Anh).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26). Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Bà Claire Stockwell nhấn mạnh việc Việt Nam thông qua thỏa thuận loại bỏ than là một bước phát triển đáng hoan nghênh. Bà cho rằng để hạn chế sự tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, than đá phải được loại bỏ dần khỏi ngành điện vào năm 2030 ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và trên toàn cầu vào năm 2040.
Hội nghị COP26 bế mạc ngày 13/11 với việc các bên thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow, theo đó tái khẳng định mục tiêu giới hạn sự tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp; kêu gọi việc giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả.
Một trong những nội dung chính của Hội nghị COP26 là mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 cũng được nhiều lãnh đạo trên thế giới cam kết mạnh mẽ. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.