Công bố sách tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
(VOV5) - “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông” là tên gọi cuốn sách do Viện nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện, vừa ra mắt sáng nay (03/06) tại Hà Nội.
|
Bìa cuốn sách |
Cuốn sách tập hợp 46 tư liệu Hán Nôm, gồm các tập bản đồ, các bộ sử, địa chí, hội diễn, các tập văn bản hành chính, các tập thơ văn, tạp văn… ghi chép một cách đầy đủ về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Trong đó, bản đồ có tên gọi “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá vẽ khoảng sau năm 1630 có ghi chép về quần đảo Hoàng Sa với tên gọi là “Bãi cát vàng, dài khoảng 400 dặm, rộng 20 dặm, sừng sững giữa biển”. Bộ sử “Đại Việt sử ký tục biên”, “ Phủ biên tạp lục”, “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Đại Nam thực lục” đều có ghi chép những chuyến ra biển của người dân địa phương, việc nhà Nguyễn đặt đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải và có quan đội Hoàng Sa kiêm quản, thực hiện những chuyến ra khơi để quản lý biển đảo.
|
Ghi chép về "Bãi Cát Vàng", tức Hoàng Sa trong "Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư" |
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, chủ biên cuốn sách cho biết: những tư liệu cổ trong cuốn sách được tập hợp một lần nữa chứng minh Nhà nước Việt Nam từ thời phong kiến đã quan tâm tới việc đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ lãnh thổ quốc gia từ rất sớm. Ông nói: "Chúng tôi đã có bộ sách 3000 trang về thư mục, về việc thực thi chủ quyền Việt Nam đối với biển, đảo ở Biển Đông. Trên cơ sở đó chúng tôi lựa chọn theo tiêu chí của các nhà nghiên cứu để công bố 46 tư liệu. Theo tôi tất cả những tư liệu này đều có tính pháp lý vì đây là một hệ thống tư liệu của nhà nước Việt Nam từ thời phong kiến viết về vấn đề này, kể cả những bộ chính sử hay những tác phẩm thơ văn đều có giá trị lịch sử của nó".
|
Bản đồ ghi Hoàng Sa thuộc về Việt Nam trong cuốn sách giáo khoa "Khải đồng thuyết ước" |
Từ những tư liệu cổ được tập hợp trong cuốn sách, người đọc có thể hiểu thêm về việc nhà nước Việt Nam từ thời phong kiến luôn quan tâm giáo dục ý thức, coi trọng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông cho các thế hệ người dân./.