Công bố thư viện âm thanh ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam

(VOV5) - Đây là công trình được thực hiện trong hơn 30 năm, tập hợp và bảo tồn được 11 ngôn ngữ của nhóm các dân tộc rất ít người, ngôn ngữ có nguy cơ bị biến mất.


Công bố thư viện âm thanh ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam  - ảnh 1
(Ảnh chụp màn hình tranglacito.vjf.cnrs.fr)


Tối qua (06/06), tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, nhóm nghiên cứu thuộc khoa Ngôn ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, và Viện Nghiên cứu quốc tế MiCa - Đại học Bách khoa Hà Nội, công bố và giới thiệu về thư viện âm thanh ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đây là công trình được thực hiện trong hơn 30 năm, tập hợp và bảo tồn được 11 ngôn ngữ của nhóm các dân tộc rất ít người, ngôn ngữ có nguy cơ bị biến mất. Sau nhiều lần điền dã, cộng với sự giúp đỡ chuyên môn của các nhà khoa học Pháp, nhóm nghiên cứu đã xử lý tiếng nói tự nhiên, số hóa và xây dựng thư viện âm thanh mang tầm khu vực Đông Nam Á. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Dõi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển các dân tộc thiểu số và miền núi, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng việc số hóa ngôn ngữ là quá trình chuẩn bị để ứng dụng công nghệ trong giao tiếp và phổ biến văn hóa: "Thư viện âm thanh lưu giữ lại tiếng nói, gồm có ngôn ngữ, những bài ca dao, dân ca bằng âm thanh của dân tộc đó. Thư viện này cung cấp nguồn ngữ liệu cho giới nghiên cứu về ngôn ngữ. Ngoài ra còn có thể dùng thư viện này như một phương tiện để truyền bá ngôn ngữ, văn hóa dân tộc".

Việc nghiên cứu và số hóa ngôn ngữ cũng góp phần, tập hợp đầy đủ ngữ liệu về văn hóa của người Việt cách đây 2000 năm để biên soạn bộ lịch sử Văn hóa Đông Sơn, minh chứng cho tính hoàn thiện về mặt xã hội của cộng đồng người Việt trong nền văn hóa này trên lĩnh vực ngôn ngữ.

Phản hồi

Các tin/bài khác