(VOV5) - Các đại biểu thảo luận về xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Ngày làm việc thứ ba Đại hội Đảng lần thứ XIII - Ảnh: VOV |
Trong phiên thảo luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 26/1, các đại biểu thảo luận giải pháp để thực hiện mục tiêu ngắn hạn đến năm 2025, và đến năm 2030, Việt Nam có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đồng thời hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử năm 2025
Thảo luận về xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Việt Nam đã đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững hơn, tăng tỷ trọng vay trong nước từ mức 39% năm 2011 lên mức 64% năm 2020; giảm quy mô nợ công từ mức 63,7% năm 2016 xuống còn 55,8 GDP vào cuối năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Ảnh: VOV |
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói: "Mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở những lĩnh vực tài chính quốc gia, tài chính công, trọng yếu như ngân sách nhà nước, thuế, hải quan, chứng khoán, quản trị vốn Nhà nước tại doanh nghiệp".
Nhất trí cao với phương hướng trong báo cáo chính trị về đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Việt Nam cần có chiến lược phát triển kinh tế tri thức giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong - Ảnh: VOV |
Theo ông Nguyễn Thành Phong: "Chiến lược cần đánh giá đúng thực trạng, xác định rõ quan điểm phát triển kinh tế tri thức. Chỉ rõ mô hình, mục tiêu, khâu đột phá và định hướng phát triển kinh tế tri thức, đồng thời thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra. Mô hình phát triển kinh tế tri thức ở nước ta cần mang tính tổng thể ở tầm vĩ mô; vừa phải cụ thể hóa các điều kiện thế mạnh của đất nước, từng địa phương, cấp ngành và từng lĩnh vực. Trong chiến lược cần xác định và triển khai lộ trình, bước đi, giải pháp thích hợp, xác định rõ các khâu đột phá, không dàn trải, trước mắt ưu tiên phát triển kinh tế tri thức ở những ngành ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, các đô thị lớn, các ngành kinh tế trọng điểm tạo hiệu ứng lan tỏa đến các ngành, địa phương khác".
Các đại biểu cũng thống nhất cao với mục tiêu trong báo cáo chính trị về đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, vững mạnh, gồm những ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp mũi nhọn gắn với công nghệ thông minh. Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển những ngành công nghiệp mới, hiện đại.