(VOV5) - Các chương trình xúc tiến thương mại và hoạt động của thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục đẩy mạnh trong năm nay.
Sáng nay (31/01), tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại đầu tiên của năm nay với chủ đề “Đẩy mạnh công tác Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường năm 2024”. Hội nghị kết nối trực tuyến với các Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới và các địa phương trong cả nước.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VOV |
Theo Bộ Công thương, trong năm vừa qua có hơn 1 ngàn sự kiện xúc tiến thương mại (XTTM) được tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có hơn 80 đề án tập trung vào các hoạt động XTTM tại các thị trường nước ngoài trọng điểm với xuất khẩu của Việt Nam. Đã có hơn 10.000 lượt doanh nghiệp tham gia, hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình XTTM này, với tổng giá trị đơn đặt hàng xuất khẩu và hợp tác được ký trực tiếp tại các sự kiện XTTM đạt trên 125 triệu USD. Hoạt động XTTM cũng góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD trong năm ngoái. Do đó, các chương trình XTTM và hoạt động của thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục đẩy mạnh trong năm nay.
Ủng hộ quyết tâm này nhưng theo ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, Việt Nam cần phải đẩy mạnh XTTM ở các thị trường mới, như: Trung Đông, châu Phi: “Với thị trường Trung Đông thì nhiều năm qua, mỗi năm chúng tôi được Cục XTTM hỗ trợ trung bình cho 20 doanh nghiệp chế biến, sản xuất nông sản tham dự các hội nghị để giới thiệu các mặt hàng đưa vào các thị trường Trung Đông, Châu Phi, đặc biệt là thị trường Trung Đông. Chúng tôi sẽ cố gắng trong năm nay đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa các sản phẩm, nhất là các sản phẩm thủy sản, vào thị trường này”.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM, Bộ Công Thương, hoạt động xuất, nhập khẩu năm nay có nhiều rủi ro, khó đoán định, do sự gia tăng xu hướng bảo hộ thương mại tại nhiều quốc gia. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần phải theo dõi kỹ thông tin thị trường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Ông cũng cho biết trong năm nay sẽ có nhiều triển lãm thương mại quốc tế về các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đồng thời Triển lãm các sản phẩm OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm) xuất khẩu và Hội chợ quốc tế chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp cũng sẽ lần đầu tiên được tổ chức.