(VOV5) - Đây là chủ đề của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2014 cuối kỳ, diễn ra sáng nay, tại Hà Nội. Đây là kênh đối thoại chính thức giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế.
|
Quang cảnh Diễn dàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên2014. Ảnh: dddn.com.vn |
Tại diễn đàn, các đại biểu đại diện các Bộ, ngành của Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp quốc tế cùng thảo luận 6 nội dung chính: các vấn đề về nợ công, nợ xấu trong lĩnh vực tài chính; biện pháp thúc đẩy sự phát triển khối tư nhân (doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trong nước); vấn đề về lao động; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; cải cách thủ tục hành chính; các vấn đề đặt ra khi tham gia các hiệp định thương mại. Bà Wendy Werner, Giám đốc Bộ phận Thương mại và Cjanh tranh, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, cho rằng: “Việt Nam có thể xây dựng một đội ngũ các nhà kinh doanh, doanh nghiệp có tầm cỡ thế giới. Họ sẽ là người chủ của những doanh nghiệp thành công, tạo công ăn việc làm, mở ra các thị trường mới và cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư của mình thông qua việc nâng cao tính minh bạch cũng như tính tiên liệu. Những chỉ tiêu táo bạo đặt ra trong Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là những bước đi rất quan trọng".
Ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng, thiết thực của các đại biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là cơ sở để Chính phủ tiếp thu hợp lý, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách sát với thực tế hơn với tinh thần tạo mọi thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Thủ tướng nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Chính phủ Việt Nam trong năm 2015 đó là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, vững chắc hơn, tăng trưởng GDP năm 2015 ở mức 6,2%, chủ động kiểm soát lạm phát ở mức 5% để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển, bảo đảm nợ công ở mức an toàn, sẽ xử lý hiệu quả hơn nợ công Chính phủ cũng đã đề ra kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, trong đó tăng trưởng ở mức 6,5-7%/năm. Để thực hiện được những mục tiêu này, Thủ tướng cho biết: "Chính phủ Việt Nam tập trung chỉ đạo quản lý để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Chúng tôi coi đây là khâu đột phá có ý nghĩa quyết định. Việt Nam tập trung cải cách thể chế luật pháp, thủ tục hành chính, phát triển mạnh các loại thị trường như thị trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường lao động, thị trường bất động sản... Bên cạnh đó, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển để nânng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải cách môi trường kinh doanh. Chúng tôi sẽ thực hiện công khai minh bạch theo tinh thần kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế, tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại đã có và tích cực đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cùng với đó Chính phủ Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả cao hơn năm 2014 trên các lĩnh vực cụ thể như: huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao; cải cách mạnh đầu tư công theo hướng tập trung có hiệu quả; cải cách hệ thống tài chính ngân hàng; đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng như ái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Cùng với phát triển kinh tế, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục làm tốt hơn công tác bảo đảm tiến bộ công bằng, an sinh xã hội trên các lĩnh vực việc làm, y tế, giáo dục và giảm nghèo…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn thường xuyên nhận được góp ý của các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức Quốc tế về những vấn đề Việt Nam cần tập trung cải cách, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đồng thời góp phần phát triển hiệu quả, bền vững hơn nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay./.