(VOV5)- Hôm nay, 18/7 (nhằm ngày 30/8 Chăm lịch), đồng bào Chăm ở tỉnh Bình Thuận bắt đầu đón Tết Ramưwan. Đây là Tết cổ truyền quan trọng nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo (Bàni) tại tỉnh Bình Thuận.
|
Nghi lễ trong thánh đường của tháng ăn chay Ramưwan. |
Với ý nghĩa báo công, báo hiếu về đạo lý, cội nguồn của những người còn sống đối với người đã khuất, Tết Ramưwan kéo dài suốt một tháng với nhiều nghi lễ nối tiếp như lễ Tảo mộ tại các nghĩa địa; lễ Và ha, tháng Ramadan cầu nguyện tại chùa, tháp; quẩy cúng tại nhà mời ông bà tổ tiên về với con cháu…
Trong dịp Tết, cán bộ địa phương cùng đồng bào tổ chức biểu diễn văn nghệ dân gian mang đậm đà bản sắc dân tộc, giao lưu thể thao… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng động viên đồng bào vui Tết không quên nhiệm vụ phát triển sản xuất, ổn định đời sống về mọi mặt, góp phần cùng với đồng bào dân tộc trong tỉnh thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội.
Ông Lưu Văn Bê ở thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Ngày mai, 29 âm lịch, bà con đi tảo mộ ở nghĩa trang đồi cát đỏ, rồi đến mồng 1 đi tảo mộ ở nghĩa trang đồi cát trắng, sau đó trở về nhà cúng ông bà tổ tiên. So với mọi năm ngoái thì năm nay bà con làm ăn được mùa hơn, đó cũng nhờ Đảng, Nhà nước ta quan tâm đầu tư thủy lợi. Đời sống bà con hôm nay khấm khá hơn trước nên việc tổ chức cúng kính cho ông bà tổ tiên cũng tươm tất hơn.”
Còn ông Bá Văn Canh, ở thôn Bình Hòa, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, phấn khởi cho biết Tết Ramưwan năm nay, bà con rất phấn khởi khi mùa màng thắng lợi, thu nhập được cải thiện nên bà con chuẩn bị lễ, tết rất chu đáo: “Nói chung thời tiết năm nay rất thuận lợi, lúa ngoài đồng đã ngả vàng, chờ ngày thu hoạch thôi. Không biết có đạt hay không nhưng nhìn giàn lúa thì được lắm. Năm nào cũng vậy, đến ngày này là bà con ở đây phải đi thăm ông bà tổ tiên, có gì đây, dĩa bánh ly nước ngọt cũng được rồi, chủ yếu là tấm lòng của mình.”
Thời gian qua được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước nên diện mạo của các làng Chăm ngày càng khởi sắc, đời sống của đồng bào Chăm ngày càng nâng cao cả vật chất lẫn tinh thần. Không chỉ quan tâm đến an sinh xã hội, tỉnh Bình Thuận cũng đã đầu tư trên 50 tỷ đồng xây dựng hạ tầng cơ sở cho vùng đồng bào Chăm. Ông Mai Sên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Có thể nói việc đầu tư cho vùng đồng bào Chăm phát triển kinh tế xã hội, giải quyết đất theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, cho vay vốn phát triển chăn nuôi bò, giao khoán bảo vệ rừng. Nhất là các chương trình lòng ghép như giải quyết nhà ở cho đồng bào Chăm, rồi xây dựng hạ tầng cơ sở như điện, đường, trường, trạm, hệ thống nước sạch đã đến với thôn, làng người Chăm. Giúp cho đồng bào Chăm có bước phát triển khá tốt.”
Tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 30.000 người Chăm sinh sống, riêng tôn giáo Bàni hiện có hơn 15.000 người