Đồng bào Khmer Nam Bộ vui Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây
(VOV5)- Trong 3 ngày từ 14 đến 16/4, đồng bào Khmer Nam Bộ tưng bừng đón tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây, Tết mừng năm mới.
Trong những ngày này, đồng bào khmer tỉnh An Giang đón cái tết trong niềm vui tươi, phấn khởi. Với truyền thống đoàn kết cùng với nỗ lực của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền trong việc đưa chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống… hàng năm cứ vào dịp lễ, Tết đồng bào Khmer Nam bộ lại có thêm nhiều niềm vui mới. Ông Chau Chanh, một người dân Khmer ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn nói: “Niềm vui lớn nhất là có cái tết trọn vẹn đủ ăn đủ xài, được Đảng, Nhà nước quan tâm. Đây là điều phấn khởi nhất của người dân tộc Khmer.”
Ảnh: internet
Huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang vào dịp tết Chôl Chnam Thmây năm nay, các ngôi chùa đông vui, nhộn nhịp. Các chùa và gia đình trong các phum, sóc càng rộn ràng, không khí phấn khởi đón mừng. Người dân trong phum sóc trang hoàng nhà cửa sạch đẹp, mặc những bộ quần áo mới, nấu bánh tét để đón Tết cổ truyền. Ông Chau Vonh ở ấp An Lợi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, cho biết: “Tết năm nay là vui hơn hơn tết 2012. Niềm vui là do các cấp chính quyền tổ chức vui. Nhiều đoàn đến thăm chùa và thăm người dân còn gặp khó khăn để đón tết cổ truyền.”
Dịp tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây năm nay cũng là thời điểm huyện Tri Tôn đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang lần thứ IX năm 2013. Ngày hội tổ chức tại xã Châu Lăng diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ như liên hoan nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục truyền thống; liên hoan văn hóa ẩm thực, triển lãm, các môn thể thao và trò chơi dân gian thu hút hàng ngàn người tham gia. Ông Đỗ Minh Trí, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tri Tôn cho rằng: “Năm nay lễ hội văn hóa trùng với thời điểm Ttết cổ truyền của đồng bào. Do vậy người dân vui đón tết và vui lễ hội rất nhộn nhịp. Thời điểm gần tết người dân có thu nhập cao từ vụ sản xuất nông nghiệp nên đời sống có nâng lên và ăn tết phấn khởi hơn.”
Việc chăm lo Tết cho người nghèo, các đối tượng chính sách nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng chính là thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, sự quan tâm, hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước. Đây cũng là dịp bà con người dân tộc khmer trong các phum sóc quây quần lại bên nhau để cùng nhau đoàn kết, phát triển sản xuất và vươn lên trong cuộc sống.