(VOV5) - Các chuyên gia cho rằng, việc kiểm soát lạm phát năm 2022 vẫn gặp nhiều khó khăn và không dễ dàng.
Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tạo áp lực lớn đến mặt bằng giá, lãi suất, tỷ giá và lạm phát nhưng mức độ tăng của lạm phát năm 2022 không quá lo ngại.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2021 và dự báo 2022, diễn ra sáng 4/1 tại Hà Nội.
CPI bình quân cả năm 2021 ở mức 1,84% là một dấu ấn trong công tác quản lý điều hành giá của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh: VOV. |
Tại Hội thảo do Học viện Tài chính (Viện Kinh tế - Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tổ chức, các chuyên gia cũng cho rằng, việc kiểm soát lạm phát năm 2022 vẫn gặp nhiều khó khăn và không dễ dàng.
CPI có thể tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm do kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng. Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới cho nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn.
PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, dự báo: “Kịch bản thứ nhất, năm 2022, nền kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại, nền kinh tế Việt Nam của chúng ta tăng trưởng cũng chậm, khoảng 6 đến 6,5% thì lạm phát khoảng 2,8 đến 3,2%. Nếu như kịch bản là nền kinh tế thế giới mà thích ứng tốt hơn, tăng trưởng tốt thì lúc đó nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng tốt và nếu như chúng ta vẫn tiếp tục tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thì chúng ta có thể có mức tăng trưởng khoảng 7 đến 7,5% trong năm 2022 và trong trường hợp đó thì mức lạm phát có thể từ 3,5 đến 3,8%.”
Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát, các chuyên gia cho rằng, đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh COVID-19 với các biến thể mới có thể bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh khác sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng. Ngoài ra, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.