(VOV5) - Ngành dệt may được hưởng nhiều lợi thế nhất từ những Hiệp định thương mại.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 6 tháng đầu năm nay ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm nay sẽ đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch.
Ngoài việc thích ứng nhanh với sự chuyển dịch thị trường, các hiệp định thương mại tự do được kỳ vọng là đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam.
Doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu dành một nguồn lực đầu tư lớn vào các công nghệ hiện đạị - Ảnh: vneconomy |
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cho rằng ngành dệt may được hưởng nhiều lợi thế nhất từ những Hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may cần nghiên cứu kỹ những cam kết để đáp ứng những tiêu chuẩn chung đặt ra: "CPTPP thì yêu cầu mang tính chất ngặt nghèo hơn về xuất xứ, đòi hỏi nhiều yếu tố đầu vào của sản phẩm dệt may phải sản xuất trong tiêu chuẩn của các nước CPTPP. Trong khu vực thì những nước sản xuất nguyên liệu đầu vào ngành dệt may không nhiều. Do vậy, một cách có thể khắc phục thiếu hụt nguyên liệu là thu hút đầu tư ở những công đoạn trước cắt may ở ngay tại thị trường Việt Nam và tiếp theo nữa là CPTPP cũng đưa ra một số ngoại lệ là nguồn cung thiếu hụt đối với những sản phẩm đặc thù có thể rất khó tìm thì CPTPP vẫn cho phép các doanh nghiệp của chúng ta tiếp tục được sử dụng nguồn nguyên liệu ở ngoài khối".