Việt Nam đã chính thức được bầu chọn làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 trong cuộc bỏ phiếu diễn ra tại trụ sở của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại New York, Mỹ vào sáng 13/11 (theo giờ Việt Nam).
Với 184/193 phiếu ủng hộ của toàn bộ các thành viên Đại hội đồng LHQ, Việt Nam là quốc gia ứng cử giành được số phiếu cao nhất trong cuộc bỏ phiếu lần này.
|
Bỏ phiếu bầu thành viên |
Những tiêu chí quan trọng nhất trong việc lựa chọn thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ bao gồm đóng góp của các quốc gia ứng cử trong việc đảm bảo quyền con người cũng như những cam kết liên quan của các quốc gia đó.
Ngay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, Việt Nam đã nhận được những lời chúc mừng nhiệt liệt của bạn bè quốc tế.
|
Trưởng phái đoàn Pakistan tại LHQ Masood Khan
|
Trưởng phái đoàn Pakistan tại LHQ Masood Khan nói: “Đây là một thành công kỳ diệu. Tôi xin được chúc mừng chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng như phái đoàn Việt Nam tại LHQ. Kết quả bầu chọn rất ấn tượng, cho thấy uy tín và sức mạnh của Việt Nam trong vai trò một quốc gia đã có những đóng góp vào quá trình thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong khu vực cũng như trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không chỉ quan tâm phát triển kinh tế mà còn ưu tiên bảo vệ các quyền dân sự, văn hóa, xã hội của người dân. Việc Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và tạo ra chất xúc tác đối với cả khu vực”.
Ông Santos Sergio - Phái đoàn thường trực Brazil tại LHQ chia sẻ: “Việc Việt Nam nhận được số phiếu cao nhất trong các nước ứng cử cho thấy sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế với đất nước các bạn”.
|
Trưởng phái đoàn Saudi Arabia tại LHQ, Abdallah Al-Muallimi
|
Việc bầu chọn thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ được tiến hành theo thể thức bỏ phiếu kín và quốc gia được lựa chọn phải giành được số phiếu quá bán, tức là tối thiểu 97 phiếu ủng hộ.
Từ khi Hội đồng Nhân quyền LHQ được thành lập năm 2006, tuy chỉ là quan sát viên nhưng Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động của cơ quan này, đóng góp ý kiến xây dựng, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm về các vấn đề lớn được cộng đồng quốc tế quan tâm như tăng cường tính hiệu quả của Hội đồng, thúc đẩy quyền con người, trong đó có quyền phụ nữ, trẻ em, đảm bảo an sinh, bình đẳng xã hội…
Trưởng phái đoàn Saudi Arabia tại LHQ, Abdallah Al-Muallimi cho biết: “Tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn xứng đáng trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Chúng tôi đánh giá cao những thành tựu của nhân dân Việt Nam và hy vọng sự tham gia của Việt nam sẽ góp phần tăng cường và thúc đẩy những giá trị cũng như hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Việt Nam có một lịch sử đáng tự hào với những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc và đường lối ngoại giao trung lập. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì vị thế của mình tại Hội đồng Nhân quyền LHQ”.
|
Ông Santos Sergio - Phái đoàn thường trực Brazil tại LHQ
|
Ông Filippe Savadogo - Đại sứ, Đại diện thường trực đoàn Tổ chức các nước nói tiếng Pháp tại LHQ nói: “Phải nói rằng, tôi rất hài lòng với việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Sức mạnh của Cộng đồng Pháp ngữ sẽ được tăng cường. Tôi đã chứng kiến tất cả những nỗ lực của Việt Nam nhằm đóng góp cực cho khối Pháp ngữ trong đó có lĩnh vực nhân quyền”.
Đại sứ Lê Hoài Trung - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ cho biết, cộng đồng quốc tế đặt rất nhiều niềm tin vào Việt Nam trong nhiệm kỳ sắp tới tại Hội đồng Nhân quyền LHQ: “Tôi rất phấn khởi. Nhiều bạn đến chúc mừng và có người nói rằng, chúng tôi được đại diện cho một đất nước vĩ đại. Rất nhiều nước tin tưởng là Việt Nam sẽ đóng góp rất tốt vào công việc của Hội đồng Nhân quyền LHQ mà chúng ta sẽ bắt đầu từ tháng 1 năm tới”.
|
Ông Filippe Savadogo - Đại sứ- Đại diện thường trực đoàn Tổ chức các nước nói tiếng Pháp tại LHQ
|
Hội đồng Nhân quyền LHQ là cơ quan chịu trách nhiệm chính và quan trọng nhất của LHQ trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Hội đồng gồm 47 thành viên với nhiệm kỳ 3 năm. Tại cuộc bỏ phiếu lần này, có tổng cộng 14 quốc gia được bầu chọn, trong đó Việt Nam là một trong 4 đại diện của khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.