Giáo dục là khâu đột phá trong phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi

(VOV5)- Diễn đàn “Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi đến năm 2020” do Ủy ban dân tộc, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 14/8 tại Hà Nội. Tham dự Diễn đàn có đại diện Chính phủ Việt Nam, Quốc hội, các cơ quan Liên hiệp quốc tại Việt Nam, các đối tác phát triển, cơ quan nghiên cứu và một số đồng bào dân tộc thiểu số.

Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó 53 dân tộc thiểu số chiếm hơn 14% dân số cả nước. Đồng bào dân tộc thiểu số tập trung nhiều nhất ở vùng miền núi, trung du, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi ở Việt Nam hiện nay còn yếu kém, trình độ học vấn thấp, cơ cấu nguồn nhân lực mất cân đối giữa nam và nữ, lực lượng lao động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Giáo dục là khâu đột phá trong phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi - ảnh 1

Khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc Sila tại Trạm y tế xã Can Hồ, huyện Mường Tè (Lai Châu).  Ảnh- Nhandan.com.vn

Các ý kiến tại Diễn đàn khẳng định nguồn nhân lực có vai trò quyết định phát triển kinh tế, xã hội. Phải coi đầu tư phát triển nguồn nhân lực là đầu tư cho phát triển bền vững trong tương lai. Để phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng Ủy ban dân tộc cần sớm xây dựng Chiến lược phát triển toàn diện nguồn nhân lực cho các dân tộc thiểu số kể cả về thể lực, trí lực và tâm lực. Trong đó, phải coi giáo dục là khâu đột phá trong phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi. Trong chính sách phải chú ý phù hợp với đặc điểm vùng, miền và các nhóm dân tộc. Nhà nước cần tiếp tục có thêm các chính sách ưu tiên đầu tư hơn nữa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời đồng bào dân tộc thiểu số phải phát huy tính tự lực, chủ động.

Giáo dục là khâu đột phá trong phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi - ảnh 2
Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao

Có ý kiến đề xuất cần thành lập Học viện Dân tộc nhằm đào tạo học sinh người dân tộc thiểu số, cán bộ công tác ở vùng dân tộc, miền núi. Tiến sĩ Phan Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, nêu ý kiến: “Phát triển nguồn nhân lực phải đồng bộ về số lượng, chất lượng. Phương hướng sẽ tập trung nhiều hơn vào các giải pháp về chất lượng ví dụ như nâng cao tầm vóc, thể trạng, trí tuệ thanh thiếu niên, nâng cao trình độ chất lượng giáo dục, đào tạo trí thức nhân tài ở vùng dân tộc thiểu số. Chúng ta phải có một chương trình đào tạo trí thức nhân tài trong thời gian tới, làm sao mỗi dân tộc đều có những trí thức để dân tộc mình phát triển. Chúng tôi thấy phải có một chương trình để đưa các thanh niên ưu tú dân tộc thiểu số đi học tập ở nước ngoài, tiếp cận được công nghệ mới, kiến thức mới chứ không chỉ học ở trong nước.


Về phía quốc tế, đại diện Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam và các đối tác phát triển cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi. Các cơ quan Liên hiệp quốc tại Việt Nam coi sự phát triển của dân tộc thiểu số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch chung giữa hai bên giai đoạn 2012 - 2016./.

Phản hồi

Các tin/bài khác