(VOV5)- Nằm trong chương trình giám sát công tác phòng chống biến đổi khí hậu ở các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sáng nay (21/3), tại Cần Thơ, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo chính sách, pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Ảnh minh họa: Hoàng Khoa
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua đã tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy những giải pháp cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam ngày một thiết thực và hiệu quả. Bên cạnh đó, Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường thông qua những chủ trương như trồng rừng, khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề, xây dựng nông thôn mới…
Qua đó, đã chống lại những diễn biến và tác động xấu, cực đoan của khí hậu, góp phần phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và những tác động xấu của thiên nhiên đối với con người.
Ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng: Chương trình của Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, về cơ bản, chủ động thích ứng với biền khí hậu, phòng tránh thiên lai, giảm phát thải khí nhà kính. Kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiềm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, duy trì cân bằng sinh thái. Chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung.
Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, tín dụng trợ giá nhắm thúc đẩy nhanh, mạnh khai thác, sử dụng năng lượng tại tạo, năng lượng mới để ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai./.