(VOV5) - Sáng 17/1, tại Hà Nội, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Hiệp định Paris năm 1973: 40 năm nhìn lại”. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học quốc tế đến từ Viện nghiên cứu chiến lược, lịch sử quân sự thuộc Bộ quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Đại học Pháp, Đại học CHLB Đức, Đại học Havard, Hoa Kỳ. Về phía Việt Nam có các đại biểu nguyên là các đại sứ, cán bộ ngoại giao, thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Paris, các nhân chứng lịch sử và nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu khoa học.
|
Toàn cảnh lễ ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, 27.1.1973 (Ảnh tư liệu) |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định Hiệp định Paris năm 1973 không chỉ là sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước mà còn là một sự kiện lịch sử, chứa đựng nhiều nội dung về nghệ thuật quân sự, nghệ thuật đàm phán và các vấn đề quan hệ quốc tế khác. 40 năm sau ngày ký Hiệp định Paris, những bài học về nghệ thuật ngoại giao, đàm phán trong Hội nghị Paris vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh quốc tế ngày nay: “ Cuộc Hội thảo lần này sẽ có 1 cái nhìn toàn diện và đa chiều, tập trung vào một số nội dung chính. Thứ nhất là Bối cảnh lịch sử, tương quan lực lượng giữa hai bên dẫn đến Hội nghị Paris. Thứ hai là lợi ích của Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc trong tiến trình của Hiệp định Paris. Ba là kết quả và tầm vóc của Hiệp định Paris trong thắng lợi của Việt Nam và lực lượng hòa bình trên thế giới. Hy vọng rằng từ các tham luận và ý kiến thảo luận tại Hội thảo, chúng ta sẽ đưa ra được những kinh nghiệm và bài học hữu ích về việc giải quyết những xung đột, mâu thuẫn và chiến tranh cục bộ, dựa trên hoạt động ngoại giao và đàm phán, trong bối cảnh khu vực và quốc tế ngày càng trở nên phức tạp hiện nay”.
|
Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại lễ ký kết Hiệp định Paris |
Cuộc hội thảo diễn ra trong 1 ngày với 3 phiên thảo luận chính. Hàng chục tham luận được trình bày tại Hội thảo của các giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều khẳng định Hiệp định Paris năm 1973 không chỉ là kết quả của cuộc đấu trí trên bàn đàm phán kéo dài gần 5 năm, mà còn là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và bền bỉ của nhân dân Việt Nam trên các chiến trường từ Nam ra Bắc trong suốt hơn 20 năm, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ trên không vào cuối tháng 12/1972 tại Hà Nội, đập tan âm mưu dùng sức mạnh máy bay B52 hủy diệt Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam và buộc Việt Nam phải chấp nhận những điều khoản do phía Mỹ đưa ra. Hiệp định Paris 1973 vì thế đã trở thành biểu tượng của tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của dân tộc Việt Nam, là thắng lợi chung của các nước anh em, bè bạn, của phong trào giải phóng dân tộc, của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới. Phân tích, nhìn nhận lại một sự kiện lịch sử mang tầm vóc thời đại sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm quý, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.