(VOV5) - Các chuyên gia cho rằng cần thực hiện đồng bộ các chính sách, trong đó, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất.
Năm 2020, Việt Nam có hơn 32 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Dịch Covid-19 đã đẩy thị trường lao động rơi vào trạng thái sụt giảm nghiêm trọng với lực lượng lao động giảm sâu, thu nhập của người lao động giảm.
Đây là những thông tin được đại diện Tổng cục Thống kê cho biết tại buổi họp báo Tình hình lao động - việc làm quý 4 và năm 2020 diễn ra sáng 6/1, tại Hà Nội.
Quang cảnh họp báo về tình hình lao động, việc làm năm 2020. Ảnh: baotintuc.vn |
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê, cho biết: “Từ quý III trở đi thì tình hình lao động việc làm đã có những cải thiện, đặc biệt là trong quý IV thì cũng đã có những cải thiện rõ rệt hơn. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch trên thế giới thì tiếp tục bùng phát. Chính phủ đã có nhiều biện pháp để có thể là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là huy động các nguồn nội lực trong nước để phát triển kinh tế và có những biện pháp phòng, chống dịch rất hiệu quả. Do vậy, trong thời gian vừa qua, nền kinh tế đã có phát triển hơn. Trong thời gian tới, chúng ta vẫn tiếp tục hy vọng những chính sách, những chiến lược về phòng, chống dịch, đồng thời với phát triển kinh tế sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Chúng ta có những bước phát triển trong tình hình phát triển kinh tế cũng như là vấn đề lao động, việc làm”.
Để chủ động ứng phó, thích ứng với diễn biến của tình hình dịch bệnh, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các chính sách, trong đó, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng.