(VOV5) - Những ngày đầu năm mới, mọi người cùng nhau đi lễ chùa, cầu mong cho gia đình an khang, thịnh vượng.
Xem viết thư pháp, xin chữ đầu năm mới trong Hoàng Cung Huế - Ảnh: congluan.vn
|
Với người dân Việt Nam, đi lễ chùa vào ngày Tết, ngày xuân, là một phong tục đẹp. Những ngày đầu năm mới, mọi người cùng nhau đi lễ chùa, cầu mong cho gia đình an khang, thịnh vượng.
Ở Huế, tại các ngôi chùa lớn như tổ đình Tự Đàm, Thiên Minh, Từ Hiếu, Báo Quốc… từ sáng sớm đã chật kín người đến dâng hương lễ Phật. Ông Nguyễn Văn Toàn, một phật tử ở thành phố Huế tâm sự: "Đến chùa gửi gắm một sự an vui an lành, mong cầu đức Phật ban cho sự an lành. An lành cho tự thân và tâm. Cuộc sống gia đình thì mình mong cầu cho sự may mắn và bình yên, trong sự may mắn thì đã có sức khỏe rồi".
Phong tục đi lễ chùa đầu năm cũng được duy trì ở Trường Sa. Trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa hiện đã có nhiều ngôi chùa trên các đảo như Trường Sa, Sơn Ca, Sinh Tồn, Phan Vinh... Đồ lễ chùa ngày Tết đơn giản như đĩa trái cây, gói bánh quy… mộc mạc, giản dị như chính con người nơi đây, nhưng gửi gắm vào đó biết bao mong ước cho mưa thuận, gió hòa, cho cuộc sống an bình, phát triển của quân và dân trên đảo.
Chùa Trường Sa, thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: thethaovanhoa.vn
|
Tại thành phố Hồ Chí Minh, khác xa với không khí náo nhiệt của những ngày thường, ngày đầu năm mới, nhịp sống của người dân ở TPHCM dường như chậm lại với những con đường khá vắng và sạch sẽ phong quang. Người dân đến thưởng ngoạn du xuân chủ yếu là hội hoa xuân ở Công viên Tao Đàn, khu vực nhà thờ Đức Bà, Quận 1. Họ đến đây để chụp ảnh, cho chim bồ câu ăn và ngắm cảnh thanh bình của ngày đầu năm mới. Anh Nguyễn Đình Dũng bày tỏ niềm mong ước trong năm mới: "Năm nay tôi thấy tết ở khu vực tôi cũng đông vui, mọi người chuẩn bị tươm tất, không khí có vẻ vui và đầm ấm hơn những năm trước. Năm mới tôi mong cho gia đình được dồi dào sức khỏe, công việc tiến triển, làm gì đó tăng được thêm thu nhập lên".
Còn tại Hải Dương, trong 2 ngày đầu của năm mới Kỷ Hợi 2019, các điểm di tích tại Hải Dương, nhất là các di tích quốc gia đặc biệt như Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc; quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương; Văn miếu Mao Điền và Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đền Xưa - chùa Giám - đền Bia, đã đón hàng vạn lượt du khách đến dâng hương, chiêm bái, thưởng ngoạn phong cảnh.