(VOV5) - Diễn đàn là cơ hội để các bên cùng trao đổi và thảo luận về các cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính để thúc đẩy các mô hình Kinh tế tuần hoàn.
Lần đầu tiên, gió và mặt trời tạo ra hơn 10% điện năng trên toàn cầu vào năm 2021 và Việt Nam là 1 trong 50 quốc gia hiện đã vượt qua mốc 10%. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là đánh giá của các Tổ chức quốc tế tại “Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022: Phát thải ròng bằng không – Từ cam kết đến hành động” do Bộ tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 28/6, tại Hà Nội.
Mô hình phát triên kinh tế tuần hoàn |
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”:
"Ngay từ Đại hội 13 của Đảng, Việt Nam đã khẳng định quyết tâm chính trị này và việc thể chế hóa Luật bảo vệ môi trường 2020 đã cho thấy sự chuẩn bị rất là kịp thời và khẩn trương công việc này. Trong thời gian qua thì chúng ta đã có rất nhiều hành động hết sức cụ thể triển khai sâu rộng đồng thời trở thành một chủ trương mang tính hành động với quyết tâm cao.
Tại Diễn đàn, các đối tác trong nước và quốc tế đã cùng nhau chia sẻ về các mô hình Kinh tế tuần hoàn đã thành công trên thế giới, trong khu vực và từ đó, xác định các mô hình phù hợp có thể áp dụng tại Việt Nam. Diễn đàn là cơ hội để các bên cùng trao đổi và thảo luận về các cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính để thúc đẩy các mô hình Kinh tế tuần hoàn, qua đó, tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực, đặc biệt từ khối tư nhân trong việc xây dựng và triển khai mô hình Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, là công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.