(VOV5) - Chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại.
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VOV |
Sáng 31/3, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, Tập đoàn Đầu tư và Quản lý V-Startup tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021 - Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi và phát triển”.
Hội thảo nhằm tổng kết toàn diện nền kinh tế Việt Nam năm 2020, đánh giá các chính sách ứng phó đối với đại dịch COVID-19 của Chính phủ, từ đó, đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, chuẩn bị những điều kiện cơ bản để phục hồi trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm đưa đất nước vượt qua đại dịch COVID-19. Theo đó, chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại.
Chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Ưu tiên cao nhất là hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức, tiếp đến là các hỗ trợ về chi phí đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Chính phủ cũng cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng chính sách, giảm mức thu các loại phí, lệ phí dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch. Các chính sách liên quan đến an sinh xã hội phải được xếp theo thứ tự ưu tiên hàng đầu.
Cùng với đó, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, giám sát chặt chẽ dòng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, phi sản xuất để đảm bảo cơ cấu tín dụng lành mạnh và an toàn hệ thông trong tương lai.