Lễ đón bằng UNESCO ghi danh "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ"

(VOV5) – Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu gồm các lễ cúng, nghi lễ lên đồng, hát văn và lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Phủ Dầy, tỉnh Nam Định và một số lễ hội khác.

Tối 2/4, tại Quần thể di tích lịch sử- văn hóa Phủ Dầy, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, diễn ra Lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần.

Lễ đón bằng UNESCO ghi danh
Đại diện UNESCO trao bằng di sản cho phía Việt Nam


Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu gồm các lễ cúng, nghi lễ lên đồng, hát văn và lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Phủ Dầy, tỉnh Nam Định và một số lễ hội khác. Các thực hành tín ngưỡng thể hiện những yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua các thế hệ hàng trăm năm. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vinh dự, tự hào, khẳng định giá trị, đóng góp của văn hóa Việt nam đối với nền văn hóa chung của nhân loại. Cùng với niềm vinh dự đó là trách nhiệm phải bảo tồn, phải phát huy di sản tốt hơn. Tất cả chúng ta cần thực hiện thật tốt chương trình hành động quốc gia, nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản, cần để tín ngưỡng thờ Mẫu được thực hiện, trao truyền đúng với ý nghĩa bản sắc tốt đẹp vốn có”.

Tại buổi lễ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công bố “Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt giai đoạn 2017-2020”. Trong đó, một số hoạt động chính sẽ được triển khai gồm: tiếp tục nhận diện giá trị, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể và khôi phục các nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với di sản; tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy di sản; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác