Luật sư Mỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam
Nhật Quỳnh/VOV-Washington -  
(VOV5)- Cuộc đấu tranh vì công lý của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đang tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong đó có những bạn bè Mỹ. Vừa qua một dự luật kêu gọi chính phủ Mỹ hỗ trợ các nạn nhân và làm sạch những khu vực bị ô nhiễm chất độc da cam tại Việt Nam đã được giới thiệu tại Hạ viện Mỹ. Luật sư Jeanne Mirer, một trong những người khởi xướng dự luật trên trong cuộc trao đổi với phóng viên Đài TNVN tại Mỹ khẳng định: Đây là cuộc chiến lâu dài nhưng cá nhân bà và rất nhiều bạn bè Mỹ sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến thắng lợi cuối cùng.
Phóng viên VOV thường trú tại Hoa Kỳ phỏng vấn luật sư Jeanne Mirer
Về nội dung của dự luật vừa qua được giới thiệu tại Hạ viện Mỹ, bà Mirer cho biết nội dung chính của dự luật là yêu cầu chính phủ Mỹ hỗ trợ các dịch vụ như nhà ở, y tế cũng như các dịch vụ chăm sóc khác dành cho các nạn nhân tại Việt Nam, đồng thời làm sạch môi trường tại các khu vực nhiễm chất độc da cam: Dự luật của chúng tôi tập trung vào 3 nhóm: cựu binh Mỹ, người Mỹ gốc Việt và người Việt Nam. Với việc gộp cả 3 nhóm này thành 1, chúng ta sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ hơn trong Quốc hội Mỹ dù cho đến nay Quốc hội hầu như chưa làm được gì nhiều. Đây là cuộc chiến lâu dài. Chúng ta có thể không thành công trong năm nay nhưng hy vọng sẽ sớm đạt được mục đích vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Luật sư Mirer cho biết hiện nay bà đang liên hệ chặt chẽ với Văn phòng của Hạ nghị sỹ Barbara Lee, người giới thiệu dự luật này ra Quốc hội, cũng như với các tổ chức trên khắp nước Mỹ để tìm người đồng bảo trợ. Sau khi tìm được đủ số nghị sỹ đồng bảo trợ, dự luật có thể sẽ được đưa ra điều trần và bỏ phiếu. Nhận định về thời gian gần đây, phía Hoa Kỳ đã có những động thái quan tâm đến vấn đề chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam, trong đó có dự án tẩy độc tại một số điểm nóng, bà Mirer cho rằng đây là một dấu hiệu tích cực, là việc cần làm tuy nhiên các hoạt động này đều không dựa trên cơ sở pháp lý nào mà chỉ được thực hiện vì mục đích nhân đạo. Bởi vậy, bà và những nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ cuộc chiến đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Nhật Quỳnh/VOV-Washington