(VOV5) - Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam có gần 12 triệu ha đất ngập nước.
Chủ đề của ngày Đất ngập nước thế giới năm nay là “Vì Con người và Thiên nhiên: Hãy yêu quý, bảo vệ và phục hồi đất ngập nước” nhằm kêu gọi sự tăng cường nỗ lực và đầu tư vào bảo tồn, quản lý và phục hồi các vùng đất ngập nước.
Ảnh nguồn: TTXVN |
Đây là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học bởi các vùng đất ngập nước đang biến mất nhanh hơn 3 lần so với rừng và là hệ sinh thái bị đe dọa nhiều nhất trên Trái đất.
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam có gần 12 triệu ha đất ngập nước. Việt Nam là quốc gia thứ 50 trên thế giới và đầu tiên của khu vực ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) chính thức tham gia Công ước Ramsar từ năm 1989. Hơn 30 năm gia nhập Công ước về các vùng đất ngập nước, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến quản lý đất ngập nước, tạo cơ sở pháp lý trong việc quản lý và phát triển bền vững đất ngập nước ở Việt Nam.
Việt Nam cũng đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước trên toàn quốc; nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong sử dụng, bảo vệ tài nguyên đất ngập nước. Tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.