(VOV5) - Năm 2019, ngân sách Nhà nước dành cho các địa phương gần 17.700 tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng, mua thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật.
Dạy nghề hàn cho học sinh tại Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu - Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
|
Hiện nay, ước tính Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm trên 7% dân số). Để giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập với cộng đồng, những năm qua, Việt Nam dành nhiều sự quan tâm và tập trung triển khai các cơ chế, chính sách trợ giúp hiệu quả.
Năm 2019, ngân sách Nhà nước dành cho các địa phương gần 17.700 tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng, mua thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật.
Đến nay, cả nước có trên 1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, đã có trên 19.550 người khuyết tật được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Ngân hàng chính sách xã hội đã hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 1.700 lao động là người khuyết tật.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, những năm qua, việc bảo vệ quyền của người khuyết tật và thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, ưu tiên bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật; một số chính sách trợ giúp người khuyết tật được tích cực điều chỉnh phù hợp với thực tế.