(VOV5) - Hôm nay, ngày 30 Tết, tiết trời vùng cao Yên Bái ấm áp, khô ráo, rất thuận lợi cho người dân đi sắm Tết. Từ sáng sớm, bà con các dân tộc vùng cao đã khẩn trương mua sắm để chuẩn bị cho bữa cơm tất niên và đón giao thừa.Tại chợ Mường Lò, phiên chợ lớn nhất tỉnh Yên Bái các hoạt động mua sắm vô cùng tấp nập. Bà Lò Thị Ém, 70 tuổi, người dân tộc Thái, cho biết: Đi chợ cuối năm này thì phải mua đầy đủ, không được thiếu thứ gì, hương, hoa này, bánh kẹo này, các thứ quả này… về để cúng ông bà tổ tiên phù hộ cho con cháu làm ăn được tốt, có nhiều sức khỏe.
Thi làm bánh chim gâu của người Cao Lan. (Ảnh: Hoàng Đô)
Trong những nếp nhà rực rỡ sắc giấy đỏ, vải đỏ, các hộ gia đình người Mông tại Mù Cang Chải hay Trạm Tấu cũng đã sắm sửa gần như đầy đủ lễ vật để cúng tổ tiên. Ai cũng mong chờ thời khắc giao thừa sắp đến. Dưới các cánh đồng lòng chảo, các gia đình người Thái đều treo cờ Tổ quốc, trang trí nhà cửa cẩn thận, bày biện bàn thờ chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa. Anh Lò Văn Xuân, ở bản Chao, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, cho biết: Vào thời khắc giao thừa sau lễ cúng tổ tiên, gọi hồn những người đã khuất, anh em, con cháu quây quần bên nhau, con cháu chúc ông bà mạnh khỏe, ông bà, bố mẹ chúc con cháu học giỏi, chăm ngoan. Sau thời khắc Giao thừa nhà nào có cồng chiêng sẽ mang ra gõ, tiếng trống làng cũng bắt đầu vang lên những nhịp đầu tiên của năm mới.
Trong khi đó, đêm hội Giao thừa xuân Ất Mùi của tỉnh Nghệ An bắt đầu từ 20 giờ 30 phút tối 18/02, (tức 30 Tết), tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh, với nhiều hoạt động như lễ dâng hương tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, chương trình nghệ thuật đặc sắc “Chào xuân mới 2015”, liên hoan biểu diễn nghệ thuật khối chuyên nghiệp và không chuyên…Chương trình có hàng nghìn diễn viên thuộc các câu lạc bộ, đoàn viên thanh niên...tham gia.Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, cho biết: Đêm Hội Giao thừa năm nay ngoài việc mừng Đảng mừng Xuân, Sở tuyên truyền đậm vào sự kiện dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Trong đêm hội Giao thừa tổ chức nhiều hoạt động vui chơi đón Tết đậm đà bản sắc địa phương, nhiều hoạt động như: lễ dâng mâm ngũ quả, múa lân, thi hát, thi tìm hiểu dân ca, thi gói bánh chưng...Sở tổ chức không chỉ dừng lại ở thị trấn, thành phố lớn mà còn về tới các xã, phường.
Tối 17/2, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã tổ chức khai mạc Đường hoa nghệ thuật tại trung tâm thành phố mới Bình Dương và Hội Hoa xuân, Báo Xuân, Triển lãm mỹ thuật tại Bảo tàng tỉnh để phục vụ người dân thưởng ngoạn nhân dịp Tết Ất Mùi 2015. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông phối hợp với 8 huyện và thị xã tổ chức Lễ hội văn hóa các dân tộc thiểu số ở 146 thôn buôn, nhằm khôi phục, dựng lại, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc tại địa phương. Lễ hội sẽ qui tụ hàng ngàn nghệ nhân thuộc nhiều loại hình văn hóa, biểu diễn những giá trị tinh hoa của dân tộc mình như diễn tấu cồng chiêng, thổi kèn, hát dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống…; phục dựng các tập tục, lễ hội như cúng lúa mới, mừng sức khỏe, bắn cung, mừng năm mới.