(VOV5) - Việt Nam cần tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, từ đây tạo tiền đề để nông dân và các nhà cùng liên kết chặt chẽ với nhau, hình thành vùng sản xuất tốt.
Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam đạt mốc kỷ lục mới với 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% so với với năm 2018. Toàn ngành xuất siêu cũng đạt mức kỷ lục 9,9 tỷ USD, cao hơn 1,12 tỷ USD so với năm 2018.
Chế biến sản phẩm cá tra tại nhà máy của Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam tại khu Công nghiệp Trà Nóc (thành phố Cần Thơ). - Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Thành công đó là nhờ việc Việt Nam sớm nhận ra xu thế về nhu cầu của thị trường thế giới, các lĩnh vực thủy sản, trái cây… sẽ mở ra nhiều cơ hội để xuất khẩu, nâng cao giá trị…
Chiến lược trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định cần coi thế giới là thị trường, là động lực phát triển. Việt Nam phải tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, từ đây tạo tiền đề để nông dân và các nhà cùng liên kết chặt chẽ với nhau, hình thành vùng sản xuất tốt, chế biến tốt, tổ chức thương mại tốt.
Chính phủ đã "đặt hàng" với ngành nông nghiệp phải đưa "nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics nông sản toàn cầu.