Phấn đấu đến năm 2015 xây dựng tối thiểu 10 triệu m2 nhà ở xã hội

Đó là một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Phấn đấu đến năm 2015 xây dựng tối thiểu 10 triệu m2 nhà ở xã hội - ảnh 1

Bên cạnh xây dựng nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, Chiến lược còn đặt mục tiêu đến 2015 đáp ứng cho khoảng 60% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở; hoàn thành việc hỗ trợ cho khoảng 400 nghìn hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở.

Tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 62%, tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đạt trên 80%, đô thị từ loại I đến loại II đạt trên 50%, đô thị loại III đạt trên 30%... Diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 22 m2 sàn/người.


Đến năm 2020 không còn nhà đơn sơ trên toàn quốc

Trong giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội; đáp ứng nhu cầu cho khoảng 80% sinh viên, học sinh và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở,...

Mục tiêu đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc tăng lên khoảng 25m2 sàn/người, phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn/người, tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 70%, xoá hết nhà ở đơn sơ trên phạm vi toàn quốc. Đến năm 2030, phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc khoảng 30m2 sàn/ người, diện tích nhà ở tối thiểu 12m2 sàn/người.

Để đạt được những mục tiêu trên, Nhà nước tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở thương mại để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có khả năng chi trả.

Đồng thời, Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở để giải quyết cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về nhà ở nhưng không đủ khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường, gồm: người có công với cách mạng, các hộ nghèo ở nông thôn, người có thu nhập thấp ở đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, trí thức, văn nghệ sĩ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân lao động, sinh viên, học sinh và các đối tượng chính sách xã hội đặc biệt khó khăn như người tàn tật, người già cô đơn, người nhiễm chất độc da cam...

Theo Chinh phu

 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác