(VOV5) - Các nghi lễ của đồng bào Khmer có thể kể đến 3 lễ hội chính trong năm: Tết Chôl Chnăm Thmây; Lễ hội Sen Đôn Ta và Lễ hội Ok-Om-Bok.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ năm 2022 và Lễ hội Oók Om Bók - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ; Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển” diễn ra từ ngày 06- 08/11 tại thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ năm 2022 và Lễ hội Oók Om Bók - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ diễn ra từ ngày 06- 08/11 tại thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: baosoctrang.org.vn |
Ngày hội là dịp tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Từ năm 2017, Lễ hội Ók Om Bók, hay còn gọi là lễ Cúng Trăng hay “Đút cốm dẹp” của người Khmer, được nâng lên thành Ngày hội Văn hóa, Thể thao và du lịch. Năm nay, Lễ hội gồm các hoạt động chính: giải đua ghe ngo, phục dựng lễ cúng trăng, trình diễn Lôi Protip (Thả đèn nước) và ghe Cà Hâu. Ngày hội là một trong số các hoạt động góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.
Đua ghe ngo là nét văn hóa độc đáo của người Khmer và là hoạt động không thể thiếu trong Lễ hội Oók Om Bók. Ảnh: VNExpress |
Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: "Thông qua các hoạt động của Ngày hội, chúng tôi rất mong muốn giới thiệu những giá trị văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ cũng như là các hoạt động trình diễn trang phục, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến lễ hội Oók Om Bók - Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer đến đông đảo bạn bè trong nước cũng như quốc tế. Chúng tôi cũng coi đây là một dịp để các địa phương tham gia ngày hội để giới thiệu đến nhân dân trong nước và quốc tế về những giá trị đặc sắc của địa phương mình, thông qua đó để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn".
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đồng bào Khmer có khoảng 1,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số, cư trú tập trung chủ yếu ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang… Các nghi lễ của đồng bào Khmer có thể kể đến 3 lễ hội chính trong năm: Tết Chôl Chnăm Thmây; Lễ hội Sen Đôn Ta và Lễ hội Ok-Om-Bok.
Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống dân tộc Khmer, ngoài việc bảo tồn, trùng tu các ngôi chùa Khmer, các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã phê duyệt nhiều đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn.
Cùng với việc điều tra, khảo sát, nắm bắt thực trạng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Khmer hiện nay, các địa phương đã lập hồ sơ khoa học về các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tiêu biểu, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngoài ra, các tỉnh cũng xây dựng đội văn nghệ quần chúng Khmer làm nòng cốt phát triển phong trào luyện tập, biểu diễn nghệ thuật truyền thống và chọn một số lễ hội tiêu biểu để tổ chức biểu diễn phục vụ du khách, từng bước xây dựng nghệ thuật truyền thống Khmer thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần quảng bá hình ảnh về vùng đất Cửu Long tươi đẹp.