(VOV5) - Việc Quốc hội Việt Nam thông qua CPTPP với tỷ lệ tuyệt đối là một quyết định chính trị quan trọng.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được Quốc hội Việt Nam thông qua hôm 12/11, với tỷ lệ tán thành tuyệt đối 100%. Với kết quả này, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 7 thông qua “hiệp định thế kỷ” CPTPP.
Đại biểu Quốc hội quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. -Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Việc Quốc hội Việt Nam thông qua CPTPP với tỷ lệ tuyệt đối là một quyết định chính trị quan trọng, chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực, khả năng ứng phó của đất nước trước tác động của kinh tế thế giới...
Trước hết, tham gia CPTPP giúp Việt Nam thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Thứ hai, khẳng định Việt Nam kiên quyết tiến lên, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác thông qua đẩy mạnh cải cách trong nước gắn với thúc đẩy các quan hệ quốc tế, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ mà còn cả trong lĩnh vực lao động, xã hội cũng như mua sắm công và doanh nghiệp nhà nước. Thứ ba, Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quí giá trong quá trình hội nhập, song phương cũng như đa phương nên việc sớm thông qua CPTPP chứng tỏ bản lĩnh và khả năng nắm bắt cơ hội tốt cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. Với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như: nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động. Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Về mặt thể chế, tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện pháp luật, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình là hiệp định thương mại tự do giữa 11 quốc gia là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định này sẽ có hiệu lực từ ngày 30/12/2018/.