(VOV5) - 85 đại biểu Quốc hội đại diện cho các địa phương đã tham gia phát biểu ý kiến. 10 Bộ trưởng và Phó thủ tướng giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chiều 28/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV kết thúc phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sau 2 ngày làm việc về nội dung này. 85 đại biểu Quốc hội đại diện cho các địa phương đã tham gia phát biểu ý kiến. 10 Bộ trưởng và Phó thủ tướng giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn |
Trong 2 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội nêu nhiều khó khăn, thách thức rất lớn từ bên ngoài và tác động vào Việt Nam năm 2023. Các đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích cụ thể, có giải pháp ứng phó để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cân đối thu, chi ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo các cân đối lớn trong điều kiện bất định.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: "Đối với việc thực hiện các mục tiêu đề ra, các đại biểu đề nghị có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân và phục vụ sản xuất như điện xăng dầu, đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường vốn ổn định thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lao động; cải thiện tình hình giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là với 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Các đại biểu cũng kiến nghị nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, phòng chống dịch, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội".
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Trước đó, trong phiên thảo luận chiều 28/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và 3 Bộ trưởng, trưởng ngành là Bộ trưởng Bộ tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Thống đốc ngân hàng Nhà nước cùng giải trình thêm về vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách.
Về điều hành lãi suất tín dụng và tỷ giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, bối cảnh năm 2022 có nhiều khó khăn hơn nhiều so với những đánh giá vào cuối năm 2021, xu hướng lạm phát kéo dài hiển hiện ở khắp các nước trên thế giới, khiến Ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đều gặp khó khăn, thách thức.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng giải trình về vấn đề chính sách tiền tệ. Ảnh: quochoi.vn |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: "Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, linh hoạt và xác định trọng tâm thời gian này phải đảm bảo ổn định hoạt động hệ thống ngân hàng và sẵn sàng cung ứng thanh khoản để đáp ứng nhu cầu chi trả cho các tổ chức tín dụng. Đối với thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước phải chủ động cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hơn. Bởi ổn định thị trường này rất quan trọng với nhà đầu tư nước ngoài. Mục tiêu chính của chúng ta vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô".
Đề cập tình hình thị trường chứng khoán và trái phiếu, Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sắp tới, Bộ sẽ đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan để kiểm soát chặt chẽ, minh bạch đồng thời tạo ra thị trường vốn trung và dài hạn phát triển sản xuất kinh doanh.
Phát biểu trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập nhân lực của ngành y tế và giáo dục. Phó thủ tưỡng cũng cho biết, Việt Nam luôn nằm trong top đầu thế giới về các chỉ số phục hồi sau dịch Covid-19. Việt Nam có cơ sở để mạnh mẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt để tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn, bù lại hai năm vừa qua.