(VOV5) - Quốc hội Việt Nam có vai trò quan trọng đối với sự phát triển các quyền con người. Do đó, Quốc hội cần tham gia cùng với Chính phủ trong quá trình xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện các kiến nghị này.
Nhân Ngày Nhân quyền quốc tế (10/12), chiều nay, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức hội nghị với chủ đề “Các công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền con người”. Hội nghị tập trung thảo luận các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, cũng như vai trò của Quốc hội trong việc tôn vinh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Các đại biểu đánh giá cao việc Quốc hội Việt Nam thông qua Hiến pháp năm 2013, là cơ sở chính trị pháp lý quan trọng, tái khẳng định, đề cao và quy định quyền con người một cách đầy đủ, toàn diện nhất vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã xem xét và phê chuẩn 2 công ước cốt lõi là Công ước về quyền của người khuyết tật và Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Điều này cho thấy cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người.
Ông Hoàng Văn Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc tôn vinh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người: Vai trò của Quốc hội hết sức quan trọng trong việc, không chỉ làm luật, giám sát việc thi hành luật mà điều quan trọng nữa là giới thiệu, áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền trong quá trình phát triển, trong quá trình thông qua các chính sách, dự luật cũng như giám sát việc thực thi đó. Chính vì vậy đại biểu quốc hội hiểu một cách cặn kẽ các nguyên tắc cơ bản của hệ thống luật nhân quyền quốc tế cũng như hiểu về cơ chế giám sát, cơ chế thực thi của các công ước quốc tế đó là rất quan trọng.
|
Phổ cập giáo dục là một trong những thành tựu về thực hiện quyền con người ở Việt Nam. (Nguồn: TTXVN) |
Cũng tại hội nghị, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: Trong báo cáo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) năm 2014, Việt Nam đã chấp thuận nhiều kiến nghị bao gồm sự tham gia hội nhập mạnh mẽ vào các thể chế quốc tế về quyền con người; bảo vệ và bảo đảm quyền tự do thông tin, ngôn luận và hiệp hội; giảm số lượng tội phạm chịu án tử hình; cải thiện hệ thống pháp luật và tư pháp; đồng thời tiếp tục tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương, nâng cao bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo và tiếp cận với các dịch vụ cơ bản. Bà Pratibha Mehta cho rằng: Quốc hội Việt Nam có vai trò quan trọng đối với sự phát triển các quyền con người. Do đó, Quốc hội cần tham gia cùng với Chính phủ trong quá trình xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện các kiến nghị này.
Trong khi đó, ngày 9/12, tại Bangkok, Thái Lan, Cơ quan Nhân quyền Liên hiệp quốc (OHCHR) ra thông cáo "hoan nghênh quyết định của Quốc hội Việt Nam hôm 28/11 thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người cũng như Công ước về Quyền của người khuyết tật". Bà Matilda Bogner, trưởng đại diện khu vực của OHCHR tại Bangkok, cho biết điều này đã giúp thực hiện được một trong các cam kết mà Việt Nam đưa ra khi ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Cũng nhân ngày Nhân quyền Quốc tế, Tổng thư ký Liên hơp quốc Banki-moon hôm nay gửi thông điệp kêu gọi quốc tế tôn vinh những nghĩa vụ bảo vệ quyền con người ở mọi nơi và mỗi ngày trong năm. Liên hợp quốc cũng hối thúc chính phủ các nước cam kết bảo đảm quyền của người dân./.