(VOV5) - Đây là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo phiên họp chính phủ thường kỳ tối 02/08.
Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông tiếp tục biến động khó lường, Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống 3,2%, thương mại toàn cầu 6 tháng năm 2019 chỉ tăng trưởng dưới 1%. Hầu hết các nước có tăng trưởng thấp, trong đó nhiều nước có tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua.
Quang cảnh buổi họp báo |
Tuy nhiên, với Việt Nam, các tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực. IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam khoảng 6,5% năm 2019. Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng ở mức 6,6%; Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) lạc quan hơn với dự báo tăng trưởng 6,8%. Trong khi đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII Index 2019) mới được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới công bố cho thấy Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc, xếp hạng 42/129 quốc gia và vùng lãnh thổ.. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Nhiều chỉ số thành phần tăng mạnh (như chỉ số nghiên cứu & phát triển tăng 14 bậc; chỉ số cơ sở hạ tầng chung tăng 12 bậc; chỉ số tác động kiến thức tăng 14 bậc; chỉ số sáng tạo trực tuyến tăng 10 bậc)…Đây là những chỉ số quan trọng nhất là khi chúng ta đang tập trung thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”.
Đồng thời, Nikkei cũng vừa công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam tăng nhẹ. Ước tính dựa vào PMI cho thấy sản lượng ngành sản xuất sẽ có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng 2 con số vào quý III/2019.
Cũng tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng của Việt Nam.Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng tăng 2,61% so với cùng kỳ, mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Về kinh doanh, sản xuất, Bộ trưởng cho biết: “Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 145 tỷ USD, tăng 7,5%; đặc biệt tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI là 5,6%".
Ngành nông nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tốt về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá 9,4%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao 10,7%... ngành khai khoáng tăng nhẹ; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của người dân”.
Khách quốc tế đến Việt Nam cũng tăng trở lại, tính chung 7 tháng đạt 9,8 triệu lượt, tăng 7,9%. Nhiều điểm du lịch trong nước được bình chọn là địa điểm du lịch hàng đầu châu Á, thế giới (Hà Nội là điểm ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới, Cao Bằng vào TOP 50 điểm tham quan tốt nhất thế giới, Hội An là thành phố quyến rũ nhất thế giới năm 2019...).