(VOV5) - Sách Trắng Công nghiệp Việt Nam năm 2019 phân tích và đánh giá hiện trạng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam.
Sáng 22/10 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) giới thiệu Sách Trắng đầu tiên về Công nghiệp Việt Nam năm 2019. Sách Trắng Công nghiệp Việt Nam năm 2019 được xây dựng trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược ngành công nghiệp và các chính sách liên quan thông qua xây dựng năng lực thể chế”.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Trưởng nhóm soạn thảo Sách Trắng Công nghiệp Việt Nam 2019, Cục Công nghiệp Việt Nam (Bộ Công Thương), giới thiệu một số nội dung trong ấn phẩm. |
Sách Trắng Công nghiệp Việt Nam năm 2019 phân tích và đánh giá hiện trạng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam. Sách Trắng chỉ ra những nút thắt và các vấn đề bất cập chính cần phải được khắc phục ở cả cấp vĩ mô và cấp ngành; đồng thời đưa ra những kiến nghị chính sách nhằm đạt được mục tiêu của Chính phủ đã đề ra, đó là thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng và cải tiến công nghệ có tính đến tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tình trạng già hóa dân số. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định Sách Trắng Công nghiệp Việt Nam 2010 sẽ là công cụ hữu hiệu của các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu trong quá trình phân tích và hoạc định chính sách công nghiệp của Việt Nam.
Giới thiệu một số nội dung chính trong Sách Trắng Công nghiệp Việt Nam 2019, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Trưởng nhóm soạn thảo ấn phẩm, Cục Công nghiệp Việt Nam (Bộ Công Thương), cho biết: “Trong Sách Trắng, tương ứng với từng ngành, chúng tôi có đưa ra khuyến nghị cụ thể. Đối với ngành chế biến chế tạo nói chung, từ các mục tiêu và các kết quả phân tích, chúng tôi đặt ra vấn đề chiến lược mà trong thời gian tới ngành cần phải giải quyết đó là vấn đề liên quan đến giá trị gia tăng và chất lượng thương mại trong chỉ số cạnh tranh công nghiệp. Cùng với đó là năng lực công nghiệp của các FDI. Thứ 3 là vấn đề chuỗi giá trị. Hàm ý chính sách ở đây chúng tôi cũng đặt ra các yếu tố. Đó là: tăng cường năng lực trong nước, thúc đẩy năng suất ngành chế biến chế tạo; tăng cường liên kết FDI với hệ thống sản xuất trong nước”.
Tại lễ công bố Sách Trắng Công nghiệp Việt Nam 2019 cũng diễn ra hội thảo kết thúc dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược ngành công nghiệp và các chính sách liên quan thông qua xây dựng năng lực thể chế” – dự án do chính phủ Hàn Quốc tài trợ và Bộ Công Thương phối hợp với UNIDO nghiên cứu thực hiện từ năm 2016. Trong thời gian triển khai dự án, UNIDO đã hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Công Thương Việt Nam nhằm nâng cao năng lực hoạch định chính sách công nghiệp, nâng cao năng lực về kiến thức công nghiệp; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp của các nèn kinh tế công nghiệp hóa như Hàn Quốc.