(VOV5) - Hơn 100 bài tham luận được gửi về hội thảo, mang đến những quan điểm, góc nhìn mới mẻ, mang tính khoa học để trao đổi, chia sẻ nhận thức và kinh nghiệm phát triển giáo dục.
Quang cảnh hội thảo. - Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Ngày 12/6, diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước các thập niên đầu của thế kỷ 21”. Hơn 100 bài tham luận được gửi về hội thảo, mang đến những quan điểm, góc nhìn mới mẻ, mang tính khoa học để trao đổi, chia sẻ nhận thức và kinh nghiệm phát triển giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế.
Theo phân tích của các chuyên gia, Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, mức độ cạnh tranh kinh tế với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á và thế giới ngày càng quyết liệt. Nguồn lực con người, trí tuệ của người Việt Nam lẽ ra phải là điểm mạnh và lợi thế nhất trong khu vực. Muốn khai thác và phát huy tốt nguồn nhân lực đó, Việt Nam phải có một nền giáo dục mở hiện đại, có một hệ thống mạng lưới được sắp xếp khoa học, phát huy truyền thống và trí tuệ Việt Nam với tư duy đổi mới không ngừng.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh: "Trong nước, cụ thể chúng ta tiếp tục thực hiện Luật GD ĐH sửa đổi và bổ sung cũng nhiều vấn đề mới. Bên cạnh đó có nhiều nghị quyết sắp xếp mạng lưới, giảm đầu mối của hệ thống quản lý nhà nước, các cơ sở sự nghiệp có liên quan đến giáo dục. Đây là vấn đề chúng ta cần giải quyết mấy vấn đề quan trọng: trước hết chất lượng của đội ngũ lao động, chất lượng đào tạo, cấu trúc đội ngũ lao động, từ đó nó liên quan đến mạng lưới".
Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, các trường cùng nhau trao đổi, tiến tới thống nhất nhận thức, từ đó triển khai giải pháp cụ thể nhằm sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế.