(VOV5) - Công tác cứu trợ đang được tích cực triển khai ở Quảng Nam.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 7h00 sáng nay (31/10), bão Molave và mưa lũ đã khiến 27 người chết, 50 người mất tích. Riêng tỉnh Quảng Nam có số người thiệt mạng và mất tích nhiều nhất trong số các địa phương (23 người chết; 22 người mất tích). Mưa lũ cũng làm cho khoảng 3.000 hộ dân tại 2 xã Phước Lộc, Phước Thành (tỉnh Quảng Nam) bị cô lập từ ngày 28/10 đến nay.
Trước tình hình trên, công tác cứu trợ đang được tích cực triển khai ở Quảng Nam. Sáng 31/10, tại Sở Chỉ huy tiền phương ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), Trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5, chỉ đạo tăng cường lực lượng, đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm người mất tích đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia tìm kiếm.
Sáng cùng ngày, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Mạnh Hà họp bàn với các lực lượng huyện Phước Sơn về phương án tiếp tế cho 2 xã Phước Thành, Phước Lộc. Tỉnh đã huy động nhân lực, dân quân tại chỗ gùi cõng lương thực vào vùng bị cô lập để cứu đói cùng với đó là đẩy nhanh việc thông tuyến đường bộ.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết: "Trước mắt là điều động 2 xe múc lớn để tăng cường lên Phước Sơn. Thứ nhất là làm đường huyện (ĐH 1). Thứ hai là cùng với thủy điện Đăk Mi làm đường huyện (ĐH 3) để sớm đưa hàng hóa lên, bởi địa hình rất phức tạp".
Trong nỗ lực giúp đỡ đồng bào ở các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai, tối 30/10, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật thiện nguyện “Thương về miền Trung”. Chương trình đã quyên góp được gần 13 tỷ đồng (khoảng 560 nghìn USD) từ các nhà hảo tâm.
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại chương trình nghệ thuật thiện nguyện “Thương về miền Trung” - Ảnh: Đức Anh/VOV5
|
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cho biết: "Đài Tiếng nói Việt Nam một mặt cử nhiều nhóm phóng viên đến các điểm nóng, khó khăn nhất, phản ánh nhanh chóng, kịp thời, toàn diện công tác khắc phục hậu quả bão lũ thiên tai; mặt khác triển khai rất sớm các hoạt động quyên góp. Mỗi cán bộ nhân viên đóng góp ít nhất 1 ngày lương, bước đầu chuyển đến 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị để hỗ trợ nhân dân ở đây khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; gửi tiền thăm hỏi hỗ trợ gia đình 13 liệt sỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3. Đài cũng tích cực tuyên truyền lan tỏa tình cảm yêu thương của nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài với miền Trung ruột thịt. Chương trình nghệ thuật thiện nguyện mang tên Thương về miền Trung cũng nằm trong khuôn khổ các hoạt động nghĩa tình đó".