(VOV5)- Trung Quốc cần đặt mình vào hoàn cảnh của các nước khác để có hành động phù hợp tại khu vực Biển Đông. Hội thảo “Biển Đông và Châu Á Thái Bình Dương trong thời kỳ quá độ, tìm kiếm các giải pháp để giải quyết tranh chấp” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức tại thủ đô Washington bước vào ngày làm việc thứ hai. Thượng nghị sỹ Mỹ Joe Liberman đã có bài phát biểu cho rằng những gì diễn ra tại khu vực Biển Đông không chỉ ảnh hưởng đến Mỹ mà còn toàn bộ thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, Thượng nghị sỹ Joe Liberman, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề của Chính phủ Mỹ cho rằng, những căng thẳng diễn ra tại Khu vực Biển Đông là một phép thử đối với Trung Quốc về cách nước này đối xử với những nước láng giềng như thế nào khi Trung Quốc trở thành một cường quốc trên thế giới. Chính sách của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông thiếu những cơ sở rõ ràng dựa theo luật pháp quốc tế, gây ra sự nghi ngờ, và có thể dẫn đến những tính toán sai lầm. Đây cũng chính là điều khiến cho Trung Quốc có thể sẽ ngày càng bị cô lập hơn trong khu vực cũng như trên thế giới. Thượng nghị sỹ Joe Liberman cảnh báo: “Tôi thực sự lo ngại về những hành vi của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông. Sự đòi hỏi trên phạm vi quá rộng của Trung Quốc tự nhiên đã tạo ra một mối lo lắng trong khu vực và buộc các nước khác như Việt Nam và Philiipines gần đây phải củng cố thêm những tuyên bố chủ quyền của mình”.
Thượng nghị sỹ Joe Lieberman phát biểu tại Hội thảo Biển Đông đang được tổ chức tại Mỹ (Ảnh: Minh Hiển)
Trả lời câu hỏi của các phóng viên, Thượng nghị sỹ Liberman nêu ý kiến: “Những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông quá rộng, khiến các nước khác buộc phải hành động. Đó cũng chính là lý do tại sao tôi hy vọng Trung Quốc cần phải dừng lại và không có thêm hành động nào thì mới có thể giúp giải quyết được các tranh chấp này”.
Tại hội thảo, các học giả và các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra những nguyên nhân làm gia tăng xung đột tại khu vực Biển Đông như các tranh chấp tồn tại từ lâu, tranh chấp giữa nhiều bên, sự không rõ ràng trong các tuyên bố chủ quyền, thiếu lòng tin giữa các nước, thiếu những chính sách minh bạch…
Các học giả cũng khuyến nghị hình thành nhiều kênh đối thoại hơn, trao đổi thông tin thường xuyên, đưa ra các cơ chế hợp tác, thành lập bên trung gian thứ ba, hoặc cơ chế trọng tài nhằm củng cố và xây dựng lòng tin giữa các nước để giải quyết xung đột tại khu vực Biển Đông.
Thượng nghị sỹ Liberman cho rằng một trong những hành động quan trọng sẽ góp phần giải quyết tình trạng căng thẳng tại Biển Đông, Mỹ cần sớm thông qua Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh đó, tiến sỹ Bonnie Glasser, chuyên gia về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ khuyến nghị: “Trung Quốc cần học cách đặt mình vào địa vị của các nước khác. Trung Quốc không thể đơn giản bỏ qua tất cả những mối lo ngại của các nước, điều này thực sự không phải là lợi ích của Trung Quốc."
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, thời gian qua đã tồn tại cơ chế phối hợp cũng như các hình thức hợp tác, tuy nhiên nếu các nước trong khu vực, đặc biệt là nước lớn mà thiếu thiện chí, không tạo dựng được lòng tin lẫn nhau thì những tranh chấp tại khu vực Biển Đông sẽ khó có thể giải quyết được một cách triệt để./.