(VOV5) - Ngày thơ Việt Nam đã thực sự trở thành một lễ hội văn hóa tao nhã, nơi gặp gỡ giữa các nhà thơ với công chúng yêu thơ; tôn vinh, truyền bá các giá trị thi ca của dân tộc đến các thế hệ người Việt Nam.
|
Ông Bùi Thế Đức đánh trống khai mạc ngày thơ Việt Nam 2017 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Ngày 11/2, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 năm 2017 tưng bừng khai mạc với chủ đề “Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước”. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức tham dự và đánh trống khai mạc ngày hội lớn của làng thơ.
Trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15, các hoạt động nổi bật của Ngày thơ tập trung ở sân thơ sau, nơi tôn vinh những nhân vật của năm 2016 về thơ ca. Điểm nhấn của sân thơ sau là hoạt động trình diễn các tác phẩm thi họa trên gốm của sĩ họa Lê Thiết Cương. Ngoài đọc thơ và giao lưu với tác giả tiêu biểu, ở sân thơ sau cũng có các tiết mục ca múa nhạc với nhiều sáng tác được phổ nhạc từ thơ.
|
Lần đầu tiên Ngày thơ Việt Nam có “Con đường thi nhân” để du khách dạo bước |
Lần đầu tiên “Con đường thi nhân” được mở tại Ngày thơ Việt Nam. Trên con đường này, Ban tổ chức giới thiệu chân dung, tác phẩm của các nhà thơ tiêu biểu trong làng thi ca Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên Ban tổ chức Ngày thơ, chia sẻ: “Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 là kỷ niệm 60 năm thành lập Hội nhà văn Việt Nam, toàn bộ hoạt động của sân khấu thơ đều hướng tới hoạt động kỷ niệm ấy. Năm nay có sự đồng hành các thế hệ thơ chống Mỹ, thơ đổi mới và các nhà thơ trẻ mới nhất, tất cả tìm được tiếng nói hài hòa, tiếng nói hướng tới tôn vinh thơ ca và hướng tới vẻ đẹp của thơ ca yêu nước. Đấy là dòng chảy chính của thi ca hôm nay, hướng tới Biển Đông, hướng tới Trường Sa và hướng tới các miền đất đai của Tổ Quốc mà các chiến sĩ của chúng ta đã trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, để bảo vệ đất nước”.
|
Trên sân khấu chính của Ngày thơ Việt Nam, nghệ sĩ Văn Chương và Vương Hà ngâm bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Sáng cùng ngày, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khai mạc các hoạt động kỷ niệm Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15. 13 câu lạc bộ thơ ca của các quận, huyện tổ chức dựng 16 lều thơ với chủ đề “Xuân nghĩa tình”, giao lưu trao đổi kinh nghiệm duy trì và phát triển hoạt động thơ ca ở các địa phương. Các hoạt động kỷ niệm Ngày Thơ Việt Nam tiếp tục vào buổi chiều với Chương trình thơ nhạc của các câu lạc bộ và tối nay là Đêm thơ của các hội viên Hội Nhà văn thành phố, Sân thơ Trẻ dành cho các nhà thơ mới.
Nhà thơ Xuân Trường, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Qua Ngày Thơ Việt Nam, tôi thấy rằng công chúng đã hướng về ngày thơ, trở thành một điểm nhấn trong ngày hội xuân của dân tộc. Cứ đến ngày này thì nhiều người đi từ sáng tham qua tới chiều. Đây là những giây phút lắng đọng của mọi người sau những xô bồ. Càng văn minh, kinh tế càng phát triển thì người ta càng đến với thơ”.
Sau 14 lần được tổ chức, Ngày thơ Việt Nam đã thực sự trở thành một lễ hội văn hóa tao nhã, nơi gặp gỡ giữa các nhà thơ với công chúng yêu thơ; tôn vinh, truyền bá các giá trị thi ca của dân tộc đến các thế hệ người Việt Nam.